Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt không thiếu vốn để đầu tư cho công nghệ để hiện đại hóa quy trình sản xuất mà mối lo ngại chính là sự thiếu hụt nhân sự có đủ khả năng vận hành các hệ thống này.
Năm 2021, ngành gỗ Việt Nam chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong quý III/2021, bức tranh ngành gỗ trở nên ảm đạm, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất... Có thể nói, dù trải qua một năm đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc, cán đích ngoạn mục.
Để tiếp nối đà tăng trưởng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam cần đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa dây chuyền và đầu tư phần mềm để sản xuất thông minh nhằm giảm lao động phổ thông, tăng năng suất, tiết kiệm được nguyên liệu sản xuất và đáng chú ý là nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng kịp thời đơn hàng cho nhà nhập khẩu.
Hiện nay việc đầu tư cho sản xuất thông minh của doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam còn chưa cao. Việc đầu tư nhà máy thông minh sẽ giúp hoạt động sản xuất tốt hơn, năng suất cao hơn, bộ máy nhân sự trơn tru hơn vì ai cũng tham gia vào quy trình sản xuất.
Qua tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, đại đa số các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tích lũy và dư khả năng tài chính để đầu tư, mua máy móc hiện đại từ châu Âu cùng phần mềm đi kèm để sản xuất thông minh. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của hầu hết doanh nghiệp là không đủ nguồn nhân lực có chất lượng để vận hành dây chuyền nhà máy thông minh đó.
Thường quá trình chuyển đổi từng bước khá dễ dàng, nhưng khi kết nối để thay đổi cả chuỗi sản xuất thì bên cạnh tài chính cần có sự chuẩn bị nhân lực, tầm nhìn và chất lượng quản trị.
Một trong những nguyên nhân là do tình trạng trả lương chưa tương xứng tại một số doanh nghiệp, nên các đơn vị này đã không thể giữ chân nhân sự có kiến thức, kinh nghiệm và được đào tạo đúng chuyên môn. Mặt khác, đầu tư cho sản xuất thông minh đòi hỏi phải cải tạo, sắp xếp lại dây chuyền trong khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết và không thể dừng lại.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngọc Phi (tổng hợp)
Nhận xét
Đăng nhận xét