Sau 3 tháng xác lập chuyên án đấu tranh, với sự vào cuộc điều tra tích cực và sự phối hợp của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng, ngày 23-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho hay, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng có hành vi triệt hạ rừng thông phòng hộ để chiếm đất. Bước đầu, cơ quan Công an xác định nhóm này do Lê Thị Minh (1962, trú P. 12, TP Đà Lạt) cầm đầu.
Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra cùng về hành vi: “Hủy hoại rừng”, gồm: Lê Thị Minh (chủ mưu), Dương Kim Hà (1982, tạm trú P.12, TP Đà Lạt); đồng thời, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Huyền (1984, vợ của Hà) với cùng hành vi trên nhưng cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ. Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng đã xác định, củng cố hồ sơ để xử lý đối với các trường hợp: Nguyễn Văn Hùng (1973), Lê Văn Hà (1975), Quách Văn Khuyên (1980), Bùi Văn Giá (1985; đều trú P.12, TP Đà Lạt), là những người trực tiếp cưa hạ thông trái phép tại Tiểu khu 144B nằm trên địa bàn P.8, TP Đà Lạt.
Trước đó, ngày 14-5-2022, từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng TP Đà Lạt phát hiện hàng trăm cây thông 3 lá thuộc đối tượng rừng phòng hộ tại các lô a, b, Khoảnh 15, Tiểu khu 144B (lâm phần do BQL rừng Lâm Viên quản lý) bị các đối tượng cưa hạ ngổn ngang. Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng xác định diện tích rừng bị tàn phá, tác động hơn 2ha, với trên 400 cây thông 3 lá bị cưa hạ. Chưa kể, hiện trường vẫn còn hơn 100 cây thông ba lá khác đang trong tình trạng vàng lá, chết đứng vì bị ken gốc, bị “đầu độc” bằng chất độc, không thể phục hồi.
Đây được xem là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn, các đối tượng đã thực hiện hành vi phá rừng rất liều lĩnh và coi thường pháp luật. Nơi rừng thông bị triệt hạ có địa hình núi, đồi hiểm trở, đường đi khó khăn, khu vực này cũng được xem ít có nguy cơ tác động đến rừng nên khi vụ việc xảy ra là hết sức bất ngờ. Theo nhận định ban đầu, không loại trừ yếu tố phá rừng nhằm đổ tội cho cán bộ và đối đầu với pháp luật.
Trước diễn tiến vụ việc, ngay sau khi vụ việc được phát hiện, ngày 17-5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng tại Tiểu khu 144B. Tiếp đó, ngày 19-5, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Kiểm lâm Đà Lạt đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo khởi tố vụ án để điều tra vụ phá rừng nêu trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu lực lượng chức năng và Công an tỉnh khẩn trương lập chuyên án, khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; không loại trừ cán bộ bao che vụ phá rừng.Ngay sau đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã giao Công an TP Đà Lạt thành lập chuyên án truy xét, điều tra vụ phá rừng.
Theo kết quả điều tra, trên cơ sở tài liệu và chứng cứ thu thập, cơ quan chức năng xác định Lê Thị Minh là đối tượng chủ mưu của vụ phá rừng trái phép tại Tiểu khu 144B; các đối tượng còn lại là đồng phạm, trong đó vợ chồng Hà, Huyền tham gia vai trò đắc lực. Thời gian nhóm đối tượng này thực hiện hành vi cưa hạ rừng thông diễn ra từ khoảng tháng 9-2021 đến tháng 5-2022. Các đối tượng cũng đã khai nhận mục đích hủy hoại rừng là để lấy đất sản xuất nông nghiệp.
Thông tin về vụ án, Thượng tá Bùi Đức Rô - Phó Trưởng Công an TP Đà Lạt, cho biết: Ngay sau khi Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP Đà Lạt lập Ban Chuyên án, đơn vị đã tích cực phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành đấu tranh chuyên án truy xét, điều tra, làm rõ vụ phá rừng. Trong quá trình triển khai chuyên án điều tra đã gặp rất nhiều khó khăn, do khu vực rừng bị phá nằm xa khu dân cư và hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, cùng với đó là thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi… Tuy nhiên, bằng những biện pháp nghiệp vụ, sự vận động quần chúng tố giác tội phạm, cơ quan điều tra đã triệu tập, soát xét trên 100 đối tượng khả nghi trên địa bàn, qua đó đã khoanh vùng, bắt được đối tượng chủ mưu cùng các đồng phạm thực hiện hành vi phá rừng tại Tiểu khu 144B.
Thượng tá Bùi Đức Rô cho biết thêm, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra; căn cứ vào hành vi, diện tích rừng các đối tượng tàn phá để có biện pháp xử lý theo luật định. Đồng thời, các cơ quan liên quan đã và đang xem xét xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng lại để mất rừng.
L.Đ
Nhận xét
Đăng nhận xét