Ngày 30/9, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở NN-PTNT Tuyên Quang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ, lâm sản vào các tỉnh khu vực Miền núi phía Bắc.
Phát triển rừng gỗ lớn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tạo cơ hội cho sản phẩm OCOP thâm nhập hệ thống bán lẻ Nhật Bản
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 1,5 triệu ha rừng, chiếm 40% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước. Đây cũng là vùng gỗ nguyên liệu trọng điểm của cả nước. Toàn vùng có khoảng 0,7 triệu hộ gia đình sống và gắn bó với nghề trồng rừng sản xuất.
Thực hiện xúc tiến đầu tư vào chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, đến nay toàn vùng có 778 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, chiếm 12,9% số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của cả nước. Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bình quân năm 2020 và 2021 của các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 839 triệu USD, chiếm 6,2 % giá trị xuất khẩu của cả nước...
Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ được quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.
Các tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện sinh thái phù hợp cho nhiều loài cây trồng lâm nghiệp phát triển, đặc biệt là các loài keo, bạch đàn, bồ đề, quế, thông, hồi. Một số địa phương đã hình thành các cụm, khu công nghiệp, có các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất đồ gỗ nội thất, ngoại thất, ván dán, ván ghép thanh, ván bóc, dăm gỗ, viên nén gỗ xuất khẩu đã đạt được những thành công nhất định như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn như: Diện tích đất đã giao cho các hộ gia đình nhỏ lẻ, khó tạo được vùng nguyên liệu lớn; các diện tích hiện có manh mún, không tập trung gây khó cho việc thu mua và vận chuyển đến nơi chế biến; việc tích tụ đất đai để có quy mô đủ lớn cho sản xuất hàng hóa khó thực hiện do các quy định về hạn điền; người dân vẫn còn tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết lâu dài bền vững; công tác quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế…
Các đại biểu cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị như: Cần tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch làm cơ sở cho việc phát triển rừng trồng sản xuất, gồm: Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Nghị định của Chính phủ về một số chính sách trong lâm nghiệp; tăng cường đầu tư, nghiên cứu, tạo, chọn, quản lý chặt chẽ các giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu sản xuất gỗ lớn theo yêu cầu của thị trường; tổ chức tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh rừng gỗ lớn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có đầu tư vào phát triển rừng trồng sản xuất gỗ nguyên liệu…
Nhận xét
Đăng nhận xét