Xuất khẩu gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn đe dọa sụt giảm các đơn hàng. Thực thi các cam kết quốc tế là giải pháp để ngành gỗ phát triển bền vững.
Nhiều thách thức lớn
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) gần đây từ chối bản giải thích của gần 40 doanh nghiệp Việt Nam về nội dung điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam, khiến không ít doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trước tình hình này, việc thực thi pháp luật về rừng trồng và thương mại gỗ cần xúc tiến nhanh chóng hơn bao giờ hết để cứu các doanh nghiệp ngành gỗ.
Với tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến 14,5 tỉ USD trong năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 tại Châu Á và thứ 5 trên thế giới.
Cách đây không lâu (12.9.2022), DOC đã thông báo gia hạn lần thứ tư thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, kết luận cuối cùng dự kiến được ban hành vào ngày 31.1.2023.
Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt và toàn diện để đảm bảo ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng bền vững và hợp pháp, đồng thời thúc đẩy quản trị rừng tốt. Việc thực thi Hiệp định FLEGT là một trong những giải pháp toàn diện để giải quyết các vấn đề này.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, tình trạng lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đơn hàng xuất khẩu gỗ tại các thị trường chủ lực giảm. Hơn nữa, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành mối đe dọa cho sự phát triển toàn ngành gỗ.
Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT để phát triển bền vững
Ngày 28.10.2022, tại Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” với chủ đề: Hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) phối hợp cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA /FLEGT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỉ USD.
"Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế qua đó đảm bảo 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp" - ông Phạm Văn Điển nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét