Đó là câu chuyện về anh Nguyễn Văn Xuân ở xã Trần Phú, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, người mạnh dạn thay đổi sản xuất để thích ứng thị trường, tối đa lợi nhuận.
Lên vùng cao gây dựng sự nghiệp
Hiện nay tại xã Trần Phú, huyện Na Rì, mô hình chế biến gỗ của anh Nguyễn Văn Xuân là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế ở địa phương vùng cao này. Chỉ cách đây 2 năm, anh Xuân mới đầu tư làm xưởng chế biến gỗ bóc tại thôn Khuổi Khiếu, đến nay đã hoạt động ổn định và đem lại thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, anh Xuân cho biết, gia đình anh là người gốc ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Trước khi định cư ở mảnh đất Na Rì, hai vợ chồng anh đã đi nhiều nơi, từ các khu công nghiệp ở miền Bắc cho tới miền Nam, cuộc sống chỉ đủ ăn chứ không có tích trữ cho tương lai. Năm 2016, lúc đó mẹ anh Xuân lên làm thuê ở xã Hảo Nghĩa (nay là xã Trần phú), qua những câu chuyện hàng ngày giữa hai mẹ con, anh đã nhận ra tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế theo hướng mua bán lâm sản, chế biến gỗ.
Chính vì vậy, đến năm 2019, hai vợ chồng anh Xuân đã quyết định quay về miền Bắc, chuyển lên sinh sống tại thôn Khuổi Khiếu, xã Trần Phú để xây dựng cơ nghiệp. Mới 26 tuổi, là một thanh niên dám nghĩ, dám làm, anh đã mạnh dạn dồn toàn bộ nguồn lực để mua đất an cư, xây dựng xưởng chế biến chuyên về lĩnh vực gỗ bóc sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng dồi dào tại địa phương.
Mới hoạt động, anh đã phải đối mặt với khó khăn vô cùng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng anh Xuân đã không bỏ cuộc, mà tìm mọi cách để thích ứng với thực tế, liên kết với các đơn vị khác để duy trì sản xuất và có thị trường ổn định. Đó là lý do giúp cho anh vượt qua được khó khăn, có lợi nhuận trong kinh doanh.
Anh Hà Văn Trọng, thợ chuyên xây lò đốt than hoa cho biết: Mỗi lò có kinh phí khoảng 50 triệu, trong đó công thợ trọn gói là 20 triệu. Lò hình vòm nên xây dựng đòi hỏi đúng kỹ thuật, xây bằng gạch đỏ; nửa lò bên dưới dùng vữa bằng đất sét; nửa bên trên phía trong xây bằng vữa đất sét, nhưng phía ngoài phải bằng xi măng. Như vậy mới đảm bảo lò chịu được nhiệt độ cao, hạn chế thoát nhiệt ra bên ngoài. Quá trình xây dựng cần 2 thợ, 1 phụ, thời gian hoàn thành 1 lò là 2 tuần.
Tham vọng biến sản phẩm dư thừa thành "vàng đen"
Trong quá trình sản xuất gỗ bóc, anh Xuân nhận thấy nhiều sản phẩm gỗ dư thừa có chất lượng tốt nhưng phải mang đi bán cho các xưởng gỗ băm với giá rẻ, nên luôn suy nghĩ cách để tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu này. Qua tìm hiểu thị trường, hướng làm than hoa sẽ giải bài toán gỗ dư thừa, phù hợp với khả năng của mình.
Anh Xuân nói, nhu cầu sử dụng than hoa trên thị trường hiện nay rất lớn. Từ những điểm nhỏ lẻ quay lợn, gà, vịt, cho tới các quán nướng, quán BBQ mọc lên như nấm đều phải sử dụng loại chất đốt này. Sau khi tìm hiểu cách sản xuất than hoa, kết nối đối tác đầu ra cho sản phẩm này thì anh bắt tay vào xây dựng 2 lò đốt than. Đầu tiên là lên thiết kế lò, hạch toán về kinh tế, xong rồi đi tìm thuê thợ có kinh nghiệm xây lò, vì thợ xây bình thường sẽ không làm được.
Theo tính toán, khi vận hành mỗi lò sẽ cần khoảng 35 tấn nguyên liệu, là gỗ keo, gỗ mỡ và gỗ rừng trồng khác; sản phẩm ra lò đạt 12 - 14 tấn than tùy theo chất lượng nguyên liệu và cứ sau 2 tháng mỗi lò sẽ đốt được 3 mẻ. Giá nguyên liệu hiện nay là 500 - 600 đồng/kg tùy theo thời điểm, tương đương khoảng 2.000 đồng sẽ ra được 1kg than hoa. Từ đó, than hoa trở thành "vàng đen", xuất bán tại xưởng là 7.000đ/kg, tức lợi nhuận sẽ gấp hơn 3 lần so với bán nguyên liệu cho gỗ băm.
Anh Xuân nói rằng, thị trường than hoa rất nhiều, vì vậy nếu có nhiều người tại địa phương cũng đầu tư thì anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Anh hoàn toàn không lo bị cạnh tranh về giá, mà nhiều người trong vùng cùng làm còn giúp cho việc tạo thành vùng sản xuất. Than hoa cũng dễ bảo quản, chỉ cần để nơi khô ráo, thoáng mát là được nên không lo bị hư hỏng do quá hạn sử dụng gây thiệt hại về kinh tế.
Ông Nông Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Trần Phú thông tin: Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1.000ha rừng sản xuất, cơ bản người dân sống có nguồn thu bằng kinh tế rừng. Ngoài một số xưởng chế biến gỗ bóc, gỗ băm trên địa bàn, thì mô hình làm than hoa như anh Nguyễn Văn Xuân cũng là một hướng đi giúp bà phát triển kinh tế. Với kinh phí tầm 50 triệu đồng, thì 2 - 3 hộ dân chung nhau đầu tư xây 1 lò đốt than là rất khả thi, còn nguyên liệu của chính bà con ở địa phương rất nhiều.
Bạn đang đọc bài viết Biến nguồn nguyên liệu gỗ dư thừa thành 'vàng đen' tại chuyên mục Thị trường của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét