(BĐT) - Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022 ngày 22/11, ông Thang Văn Thông, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đang bị “ách” hoàn thuế khoảng hơn 1.000 tỷ đồng suốt nhiều tháng nay do các cơ quan thuế địa phương vẫn đang thực hiện xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Ông Thông cho biết, lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản: Công văn số 429/TCT TTKT ngày 22/2/2021, Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020, Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 và Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27/10/2020.
Ông Thang Văn Thông |
Theo các văn bản này, gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế; yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ từ người trồng rừng đến khi lô hàng xuất khẩu đi. Như vậy, quá trình xác minh rất dài và gây vướng hoàn thuế GTGT.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và thời hạn ban hành Quyết định hoàn thuế chậm nhất không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế. Trong khi đó, việc ách tắc xảy ra từ đầu năm nay, đáng chú ý, từ tháng 6/2022 đến nay, hầu như không doanh nghiệp nào được hoàn. Có thể, cả năm vẫn chưa thể xong thủ tục hoàn thuế với cách thức làm như vậy.
Thực tế, với 1 lô hàng xuất khẩu, khi doanh nghiệp mua vào cũng đã được kiểm tra, kiểm soát, sau khi lên tàu hàng hóa xuất đi cũng được cơ quan hải quan kiểm tra, kiểm soát với đầy đủ giấy tờ của từng chuyến hàng, từng xe, từng lô hàng. Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ biết đến bên bán hàng. Nguyên tắc của doanh nghiệp là có hợp đồng mua bán, có chứng từ nhập kho đầy đủ và khi xuất khẩu thì cơ quan hải quan là người cuối cùng kiểm soát.
Quá trình thu mua dăm gỗ của các doanh nghiệp xuất khẩu miền Bắc theo cách thức là ông chủ rừng (F0) bán cho các thương lái (F1), các F1 lại bán cho F2, F3,… qua rất nhiều khâu mới đến doanh nghiệp Fn là người xuất khẩu. Doanh nghiệp Fn chỉ có thể truy xuất được đến trước đó 1 - 2 người chứ không thể truy xuất đến F0.
Mặt khác, ngành dăm gỗ chủ yếu xuất khẩu với những đối tác truyền thống hàng chục năm nay hợp tác. Vẫn những doanh nghiệp đó mua bán với nhau, các năm trước vẫn hoàn thuế nhưng năm nay, cũng với bộ hồ sơ đó lại không được hoàn.
“Chính sách hoàn thuế GTGT hiện nay của cơ quan thuế khiến các doanh nghiệp khốn đốn, nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản khi không thể xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng đến F0 cuối cùng. 1 tàu dăm xuất khẩu trị giá trên dưới 100 tỷ đồng, thuế hoàn GTGT khoảng 8% là khoảng 8 tỷ đồng. Ách tắc hoàn thuế sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, cứ giữ cách thức làm việc như thế này thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có thể không còn vốn để quay vòng, phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, sẽ ảnh hưởng không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mà còn ảnh hưởng các hộ trồng rừng ở các địa phương, các doanh nghiệp đầu mối thu mua nhỏ lẻ”, ông Thông nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét