(Chinhphu.vn) - Số liệu phát triển của xuất khẩu viên nén, dăm gỗ nếu biểu hiện bằng đồ thị sẽ cho ra một đường tiến lên thẳng đứng. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ thì việc giữ được sự bền vững của ngành không hề dễ dàng.
Việt Nam xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới
Bộ Công Thương ước tính, xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9/2022 và tăng 25,9% so với tháng 10/2021.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) hiện nay cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Giá trị XK viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022.
XK dăm gỗ và viên nén gỗ tại khu vực châu Á cũng tăng trưởng mạnh, riêng giá trị XK của viên nén tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh 2 thị trường này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối.
Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, dự kiến nhu cầu mặt hàng này tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: "Năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu mặt hàng này cán mốc gần 3,5 triệu tấn, đạt 542,32 triệu USD, chiếm 4,5% tổng kim ngạch XK của ngành".
Nhìn vào số liệu 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: "XK viên nén đã tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam đã trở thành nước XK viên nén lớn thứ 2 trên thế giới".
Nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Số liệu phát triển của XK viên nén, dăm gỗ nếu biểu hiện bằng đồ thị sẽ cho ra một đường tiến lên thẳng đứng. Hiện tại, chưa có dự báo chi tiết về "cơn khát" nguồn cung viên nén, dăm gỗ lúc nào có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng những bất ổn trong phát triển nóng các sản phẩm này đã dần hé lộ.
Để giữ được sự bền vững của ngành
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ nhìn nhận, cùng với sự phát triển mạnh mẽ thì việc giữ được sự bền vững của ngành không hề dễ dàng.
Điển hình nhất là các vấn đề về nguyên liệu đầu vào. "Giá nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu có chứng chỉ, thuế xuất khẩu, cũng như việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các doanh nghiệp trong ngành viên nén, giữa các ngành sử dụng chung gỗ rừng trồng trong nước… là những điều chúng tôi đang rất lo lắng", ông Phong chia sẻ.
Một câu chuyện khác về xuất khẩu dăm gỗ được phóng viên Báo Điện tử Chính phủ ghi nhận tại cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh. Ông Thang Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Hào Hưng – đơn vị đang xuất khẩu dăm gỗ tại cảng này cho biết, trong 9 tháng đầu năm, XK dăm gỗ rất thuận lợi nhưng doanh nghiệp đang rất thiếu vốn thu mua nguyên liệu của bà con, cùng với đó là việc chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đến tận chủ rừng để kiện toàn hồ sơ hoàn thuế VAT.
Ông Thông phân tích: "1 tàu dăm XK trị giá trên dưới 100 tỷ, thuế hoàn VAT khoảng 8% là khoảng 8 tỷ. Mỗi một tháng khu vực cảng Cái Lân xuất khoảng 15 tàu. Như vậy, mỗi tháng hàng trăm tỷ tiền hoàn thuế các doanh nghiệp khu vực này bị tồn đọng. Nếu tồn đọng chồng tồn đọng thì các doanh nghiệp không còn vốn để kinh doanh".
Không chỉ doanh nghiệp của ông Thông mà đa số doanh nghiệp XK dăm và viên nén cũng đang cùng chung vướng mắc này.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản chỉ ra hiện tượng: "Cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp XK cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản".
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp XK sử dụng gỗ rừng trồng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia sản xuất và XK ván bóc, ván ép, doanh nghiệp dăm và viên nén phải thu mua gỗ nguyên liệu đầu vào từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Việc xác minh nguồn gốc gỗ theo các quy định của Tổng cục Thuế mất rất nhiều thời gian.
Với lực "cầu" rất lớn như trong 9 tháng đầu năm, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu chưa được quan tâm xứng đáng đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp cản trở.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia thuộc Tổ chức Forest Trends đánh giá, nguyên liệu gỗ đầu vào có vai trò quan trọng nhất đối với sự lớn mạnh của ngành. Nguồn nguyên liệu hiện tại của sản phẩm viên nén chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ như cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn...
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển và tương lai của ngành này, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén, cũng như các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… có sử dụng gỗ rừng trồng cần quan tâm tới việc tạo ra các vùng nguyên liệu của mình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ông Tô Xuân Phúc nhìn nhận, việc tạo vùng nguyên liệu có thể thông qua hình thức các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, là những người có tiếp cận với nguồn quỹ đất trồng rừng.
Khi chủ động được nguồn nguyên liệu thông qua các hình thức liên kết với các hộ trồng rừng và công ty lâm nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy, trong tương lai các thị trường này sẽ đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững, do đó, việc tạo vùng nguyên liệu là rất cần thiết.
Đỗ Hương
Nhận xét
Đăng nhận xét