Sau đại dịch COVID-19, Chính phủ Lào cho phép mở lại hoạt động khai thác và vận chuyển gỗ đã sơ chế, tạo điều kiện cho các chủ gỗ, doanh nghiệp tái khởi động việc thu mua gỗ để vận chuyển về Việt Nam. Lợi dụng sự nhộn nhịp giao thương này, đối tượng buôn lậu, vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới cũng bắt đầu tung hoành...
Thủ đoạn tinh vi
Theo Đại tá Bùi Đức Trung - Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung đóng tại Đà Nẵng (Đoàn 2): Trên 800km đường biên giới với Việt Nam, các tỉnh khu vực Trung Lào từ Sê Kông tới Bô Ly Khăm Xay có 5 cặp cửa khẩu quốc tế, 3 cặp cửa khẩu chính và 6 cửa khẩu phụ. Tại các tỉnh này, cộng đồng người Việt Nam sinh sống đan xen, kinh doanh buôn bán, khai thác rừng, khoáng sản, trong đó, nhiều nhất là mặt hàng gỗ. Vào thời điểm tháng 12-2015, Chính phủ Lào ra thông báo tạm dừng các hoạt động khai thác, vận chuyển xuất khẩu gỗ các loại nên các xưởng tồn đọng lượng lớn gỗ đã khai thác.
Đến đầu năm 2022, Chính phủ Lào có quyết định mở lại (có giới hạn) hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ đã sơ chế, bởi vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang nhập khẩu lượng lớn gỗ từ Lào về thông qua các cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), La Lay, Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Cha Lo (tỉnh Quảng Bình), Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh). Lợi dụng khi được “mở cửa”, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng đã diễn ra phức tạp, trong đó có mặt hàng gỗ.
Đại tá Trung thông tin, thời gian vừa qua, Đoàn 2 và BĐBP các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường vận chuyển trái phép các mặt hàng gỗ thuộc danh mục Cites qua biên giới với số lượng đặc biệt lớn. Điển hình, từ ngày 24-8 đến ngày 21-9-2021, các lực lượng Hải quan, BĐBP Quảng Trị, Đoàn 2 tiến hành khám xét 7 xe container của Công ty TNHH xuất nhập khẩu An Trần (địa chỉ tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Các phương tiện này đỗ tại bãi kiểm hóa của cửa khẩu quốc tế La Lay và tiến hành các thủ tục mở tờ khai Hải quan nhập khẩu gỗ. Kết quả: Trong 7 phương tiện có hơn 77m3 gỗ cẩm lai, trắc và 10.941kg đá phấn không có tên trong tờ khai Hải quan. Theo ước tính ban đầu, số hàng cấm này có trị giá khoảng 15 tỷ đồng.
Gần đây nhất, tháng 7-2022, Đoàn 2 triệt phá thành công Chuyên án A2-722.2. Lực lượng trinh sát Đoàn 2; Đoàn 1; Phòng phòng chống ma túy và tội phạm; Đồn BP cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh) đã khám xét 3 xe đầu kéo BKS 38C-047.58; 38C-066.63 và 38H-002.02 được Công ty TNHH Quỳnh Chi 6833 mở thủ tục Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Kết quả khám xét, lực lượng chức năng phát hiện 148,555 tấn gỗ cẩm lai thay vì gỗ mun sọc, gõ đỏ, giáng hương như tờ khai Hải quan.
Không chỉ ở các cặp cửa khẩu sầm uất, giao thông thuận tiện, các đối tượng đã “tìm đến” các cửa khẩu xa, ít người, phương tiện qua lại. Như ngày 14-4-2022, Đoàn 2 phối hợp với BĐBP Đà Nẵng kiểm tra xe đầu kéo BKS 37H-026.85 khi đang lưu thông từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) tới khu vực P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nhà xe sau đó xuất trình được giấy tờ chở sắn lát nhập khẩu từ Lào, tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 6,724m3 gỗ cẩm lai được cất giấu trong két nước độ chế và trộn cùng sắn lát khô trong thùng container.
Kiên quyết ngăn chặn
Đánh giá về tội phạm vận chuyển trái phép qua biên giới, Đại tá Bùi Đức Trung cho hay: Qua những vụ việc, chuyên án 2 năm qua, các đối tượng đã dùng thủ đoạn rất tinh vi để vận chuyển gỗ trái phép. Đối với vụ việc tại cửa khẩu Nam Giang, gỗ cẩm lai được “trộn” với mặt hàng khai trong tờ Hải quan là sắn lát khô nhằm qua mặt lực lượng chức năng, nhưng không thể qua ải. “Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng cải hoán, độ chế phương tiện để cất giấu hàng. Chúng còn lợi dụng việc phân luồng Hải quan, quy định kiểm tra hàng hóa để trà trộn, khai báo gian lận. Để đấu tranh với loại tội phạm này không hề dễ dàng, bởi phương tiện chở hàng qua cửa khẩu phải có dấu hiệu vi phạm, tài liệu chứng cứ chứng minh mới được mở hàng kiểm tra. Trước tình hình trên, đơn vị đã xác lập chuyên án, phối hợp với BĐBP các tỉnh, thành để điều tra, xác minh làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cùng các doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn phi pháp”, Đại tá Trung nói.
Nói về vụ việc tại cửa khẩu quốc tế La Lay, Đại tá Trung phân tích: Các đối tượng đã gia cố, tạo ra các vách ngăn trong container, tận dụng phần hở ở dưới sàn của thùng xe để cất giấu cẩm lai, trắc, đá phấn rồi che lại, tiến hành bắt vít cố định như một sàn xe bình thường. Trên đường đi, các đối tượng liên tục thay biển số xe, khi biết lực lượng chức năng sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng, chủ hàng bất hợp tác, viện các lý do khác nhau để kéo dài thời gian hoàn chỉnh thủ tục rồi tìm cách quay đầu xe trở lại Lào. Hay vụ việc khám xét 3 container ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cách đây không lâu, các đối tượng nghĩ ra “chiêu trò” kéo dài thời gian xử lý, từ đó, tìm cách móc nối hợp thức hóa giấy tờ, xin cấp giấy phép Cites để làm thủ tục nhập khẩu gỗ cẩm lai nhưng bất thành.
Dù với những thủ đoạn rất tinh vi, nhưng với quyết tâm đánh mạnh vào sự lợi dụng chính sách mở cửa để vận chuyển gỗ lậu qua biên giới, lực lượng BĐBP cùng các ngành chức năng đang rất mạnh tay trong công tác điều tra, lập chuyên án đấu tranh.
CÔNG HẠNH
Nhận xét
Đăng nhận xét