Xuân về, thay vì được đoàn tụ bên gia đình thì những nhân viên quản lý, bảo vệ rừng vẫn phải ăn nằm giữa rừng để thực hiện “sứ mệnh” giữ cho rừng thêm xanh.
Khu rừng lớn nhất Gia Lai bình yên nhờ các nhóm hộ giữ rừng
Sau loạt bài 'Lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt': Gỡ nhưng vẫn... rối
Giữ rừng từ những... lò sấy thuốc lá
‘Nữ tướng’ giữ rừng
Giữ bình yên cho những cánh rừng
Ngày cuối năm, khi mùa xuân kéo những cơn lạnh buốt về với núi rừng Kbang, khi các gia đình đang tất bật chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền, cũng là lúc các thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tất bật thực hiện sứ mệnh giữ rừng.
Công việc hàng ngày của họ là băng qua những cánh rừng sâu, nơi được đánh giá có nguy cơ cao về tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Lán tạm được dựng vội để tránh cơn mưa phùn những ngày lập xuân. Bếp dã chiến vừa để nấu nướng trong những ngày trực chốt, vừa để sưởi ấm và xua đuổi côn trùng cũng nhanh chóng hình thành. Dù đã quá quen với cảnh trực Tết giữa rừng, nhưng sao trong một con người này, vẫn có nỗi chạnh lòng.
Anh Nguyễn Đức Thắng, Tổ phó Tổ bảo vệ rừng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập cho biết, tổ bảo vệ có 5 thành viên thực hiện quản lý và bảo vệ hàng chục nghìn ha rừng. Với những người giữ rừng như anh Thắng và các anh em ở đây, gần như chưa năm nào được hưởng trọn vẹn cái Tết bên gia đình.
“Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, bà con cùng nhau đón tết, còn chúng tôi xem đây là nhiệm vụ tất yếu, có muốn về cũng không được. Chúng tôi luôn động viên vợ con, người thân ở nhà cứ vui vẻ đón tết. Sau đó thì đơn vị sẽ bố trí cho chúng tôi ăn tết theo một cách khác”, anh Thắng bộc bạch.
Kbang là huyện có diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên với trên 120 nghìn ha. Không chỉ rộng lớn, rừng tại Kbang còn có trữ lượng gỗ lớn và nhiều loại gỗ quý, chính vì thế nơi đây luôn là địa bàn bị lâm tặc dòm ngó và tìm mọi cách xâm hại.
Ông Đàm Văn Tích, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trạm Lập cho biết, những năm gần đây, giao thông qua nhiều khu vực rừng thuận lợi hơn khiến việc giữ rừng càng thêm áp lực. Thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán được xem là nhạy cảm nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên các đơn vị chủ rừng vẫn phải đảm bảo duy trì quân số trong những ngày này.
“Tết đến, phải có đầy đủ nhân lực để đảm bảo công tác giữ rừng hiệu quả. Do vậy chúng tôi sẽ tổ chức cho anh em đón xuân sớm hơn để khi tết đến, anh em đảm bảo được đầy đủ quân số cho công việc giữ rừng”, ông Tích chia sẻ.
Ngược về xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang). Nơi đây, những cánh rừng xanh trải dài xa tít tắp, nơi còn rất nhiều loại gỗ quý hiếm mà lâm tặc luôn khao khát sở hữu. Biết thời điểm Tết luôn nhạy cảm, ông Dương Xuân Kiếm, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đã lên phương án chi tiết cho công việc giữ rừng, xác định ăn ngủ trong rừng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho “lá phổi xanh” nơi đây.
Câu chuyện về ông Kiếm không còn xa lạ với nhiều người dân nơi đây, bởi trước đó ông từng là lâm tặc phá rừng khét tiếng của địa phương. Nhiều năm vác búa vào rừng khai thác, nhìn những cây gỗ quý từ từ ngả xuống, ông Kiếm lại cảm thấy mang nợ với rừng xanh.
Để rồi đến năm 2013, sau khi được cán bộ bảo vệ rừng thuyết phục, ông Kiếm quyết định “rửa tay gác kiếm”, đồng thời cùng tham gia vào lực lượng bảo vệ rừng nơi đây. Chưa dừng lại, đến năm 2018, ông Kiếm còn vận động 3 lâm tặc khác cùng bỏ nghề, tham gia giữ rừng. Cái tên “Kiếm lâm tặc” lẫy lừng một thuở giờ chỉ còn là chuyện quá khứ, từng nhóm lâm tặc khét tiếng nơi này cũng tự giải tán.
“Tôi đã mang nợ với rừng, nên giờ phải tận tâm giữ rừng. Không giữ được rừng xem như mình có lỗi, không hoàn thành trách nhiệm”, ông Kiếm nói và cho biết, chế độ cho người giữ rừng dù thấp nhưng không quan trọng, nhìn những cánh rừng bình yên mới cảm thấy hạnh phúc.
Câu chuyện giao cho “lâm tặc” giữ rừng không mới, cách đây hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra cũng từng có những quyết định táo bạo khi giao rừng cho 20 hộ dân di cư, không có việc làm và thường xuyên vào rừng khai thác gỗ.
Lúc bấy giờ, ông Chín đã “liều mình” lựa chọn những lâm tặc này đưa vào lực lượng giữ rừng. Hiện toàn bộ 20 hộ nói trên cùng tham gia quản lý, bảo vệ 500 ha rừng trồng và rừng tự nhiên toàn bộ khu vực này.
Đơn vị giao khoán bảo vệ rừng theo phương châm “tự canh, tự quản”, rừng gần thôn, làng nào thì nơi đó bảo vệ. Nhờ đó rừng giao khoán luôn được gìn giữ, không bị xâm lấn. Đơn vị có đến 9 chốt trạm quản lý gần 14 ngàn ha rừng nhưng chỉ có 15 cán bộ chuyên trách nên phải sử dụng lực lượng đặc biệt này cùng tham gia bảo vệ rừng.
“Tết năm nay chúng tôi vẫn huy động đầy đủ các lực lượng tham gia các chốt trạm để thực hiện nhiệm vụ giữ rừng. Ngoài những trạm chính, còn các chốt của các hộ nhận khoán nằm rải rác trong rừng để bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 cho khu rừng”, ông Chín nói và cho biết, nhiều người mong muốn về ăn Tết với gia đình nhưng vì tính chất công việc chỉ biết an ủi, động viên anh em.
Những đôi chân không mỏi
Xuôi về chốt trạm bảo vệ rừng B14 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) nơi những anh em quản lý bảo vệ rừng đang tranh thủ bữa cơm trưa trước khi di chuyển đến cánh rừng giáp ranh với địa bàn tỉnh Kon Tum để thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ. Ông Phan Xuân Tịnh, năm nay đã gần 60 tuổi với 32 năm trong nghề, hàng ngày vẫn phải lội bộ gần chục cây số để tuần tra những cánh rừng. Mùa khô còn đỡ, mua mưa cực trần ai. Tuy vậy, ông Tịnh chưa bao giờ gục ngã để dành trọn tình yêu cho núi rừng.
Năm nay, ông Tịnh lại không được quây quần bên gia đình để tận hưởng không khí mùa xuân về. Ông cho biết, Tết cổ truyền đúng vào thời điểm mùa khô, rừng dễ bị cháy nên anh em lúc nào cũng phải túc trực ngày đêm canh giữ. Chốt trạm có 4 người quản lý hơn 8.000 ha rừng, diện tích lớn nên không ai được phép bỏ rừng để đón Tết dù gia đình rất buồn.
Gạt những giọt mô hôi lăn dài trên má, ông Tịnh chạnh lòng cho biết: “Công việc quá cực khổ, trong khi chế độ đãi ngộ cho anh em bảo vệ rừng quá thấp. Bản thân làm hơn 30 năm nhưng lương hiện tại chỉ có hơn 7 triệu đồng, nhiều lúc muốn nghỉ hưu sớm nhưng do nhiều người khác bỏ việc, không có ai làm thay mình. Làm mấy chục năm cũng chỉ tiết kiệm nuôi các con ăn học, trong khi cái nhà cấp 4 vẫn tuềnh toàng, chưa thể xây nổi”.
Nhắc đến câu chuyện cái Tết của người giữ rừng, ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) cho biết, đơn vị quản lý 23 nghìn ha rừng, trong đó 5 nghìn ha rừng phòng hộ, 16 nghìn ha rừng sản xuất, còn lại đất trống. Diện tích rừng rộng lớn, trong khi chỉ có 16 nhân viên trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng.
Mặc dù rất khó khăn về nhân lực, nhưng đơn vị vẫn phải động viên anh em chuyên tâm cho nhiệm vụ cao cả giữ rừng. Tết năm nay, đơn vị huy động ¾ nhân viên tham gia nhiệm vụ giữ rừng, đồng thời thay phiên nhau về dọn dẹp nhà cửa, nhang khói cho tổ tiên, tuyệt đối không được nghỉ phép trong những ngày Tết.
“Chính bởi trách nhiệm cao như vậy, cộng với việc lương thấp nên tâm lý nhiều anh em giữ rừng bất an, thậm chí bỏ việc. Chính vì vậy, mong muốn làm sao nhà nước có những hỗ trợ để nhân viên bảo vệ rừng được thêm phụ cấp nghề, cùng với các khoản ưu đãi đối với vùng sâu, vùng xa để động viên anh em yên tâm hơn trong công việc”, ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, những ngày cận Tết, những người giữ rừng vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm cho công việc, mặc dù ai cũng muốn gần gũi gia đình. Áp lực công việc nặng nề, trong khi chế độ chính sách cho người giữ rừng tương đối thấp, điều này dẫn đến nhiều bất cập.
Để tháo gỡ vấn đề này, Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị với Trung ương điều chỉnh lại một số nghị định về chính sách hỗ trợ cho người giữ rừng. Để từ đó, người giữ rừng có được những chế độ phụ cấp thỏa đáng, yên tâm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bạn đang đọc bài viết Nặng nợ với rừng xanh tại chuyên mục Xã hội của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét