Tổng cục Lâm nghiệp cho biết năm 2022, xuất khẩu lâm sản ước đạt 16,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2021. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, ngành gỗ đặt mục tiêu tích cực cho năm 2023, với 17,5 tỷ USD.
Tại hội nghị tổng kết năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNNT), ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 7%, lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,3%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% so với 2021. Như vậy, ngành lâm sản năm nay xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.
Ông Bùi Chính Nghĩa nhận định trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn phục hồi và tăng trưởng.
Năm 2022, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính, với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản.
Năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp 5-5,5%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết sẽ thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 và tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết năm 2022, ngành lâm sản xuất siêu 14,1 tỷ USD, gần gấp đôi thặng dư thương mại cả ngành nông nghiệp là 8,5 tỷ USD và cao hơn mức xuất siêu cả nước là 11,2 tỷ USD.
“Con số này cho thấy ngành lâm sản không chỉ mang lại ngoại tệ về cho đất nước, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung, mà còn thúc đẩy sản xuất, chế biến gỗ trong nước”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Tuy nhiên ngay từ quý IV/2022, đơn hàng sản phẩm gỗ đã trên đà đi xuống, nhiều doanh nghiệp chưa ký, thương thảo được đơn hàng cho năm 2023. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp bám sát vào tình hình thực tế để đưa ra các dự báo, kế hoạch cho ngành trong năm 2023.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, bước sang năm 2023, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, hiện đã có một số tờ báo ở Mỹ đăng tin sản phẩm gỗ của Việt Nam sử dụng nguyên liệu của Nga nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện, Chính phủ nước bạn chưa lên tiếng về vấn đề này, song các doanh nghiệp cần quan tâm và rà soát.
Ngoài ra, Thứ trưởng nêu thêm hiện châu Âu đã thông qua đạo luật, trong đó tất cả sản phẩm trồng trên rừng, dù khai thác hợp pháp hay bất hợp pháp đều bị xử lý. Điều này sẽ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét