(Baothanhhoa.vn) - Thiếu đất sản xuất, một gia đình kéo nhau lên rừng để chặt phá cây cối làm nương rẫy. Khi bị phát hiện, cả 5 người cùng bị khởi tố trong vụ án hủy hoại rừng. Câu chuyện tưởng chừng hy hữu ấy xảy ra ở huyện vùng cao Mường Lát, trở thành bài học đắt giá cho nhiều người.
Cánh rừng xã Tam Chung, huyện Mường Lát (ảnh minh họa). Ảnh: Việt Hương
Chuyện xảy ra với gia đình bà Giàng Thị So (57 tuổi) và những người con của mình. Gia đình bà So vốn sinh sống ở một bản vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Lát. Nhà có tới 8 người con, người lớn nhất sinh năm 1990, nhỏ nhất sinh năm 2008. Hai con lớn của bà là A Lềnh (33 tuổi) và A Lùng (24 tuổi) đã lập gia đình ở riêng nhưng sống trong cùng một bản. Đại gia đình đông người, cũng giống như nhiều hộ dân khác ở huyện vùng cao này, cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn.
Buổi chiều một ngày tháng 1-2022, con dâu cả của bà So là Váng (32 tuổi, vợ của A Lềnh) đến nhà mẹ chồng chơi thì gặp mẹ chồng và em dâu thứ là Pà (21 tuổi, vợ của A Lùng) đang ở nhà. Bên căn nhà sàn nhỏ, ba mẹ con ngồi trò chuyện. Câu chuyện của những người con dâu trong nhà lại nhắc đến việc thiếu đất để trồng ngô, trồng sắn. Bà So lại nhớ đến khoảnh đất mà mình đã từng canh tác lúc mới chuyển về bản sinh sống. 4 năm trước, sau khi được vận động tuyên truyền, gia đình đã trả lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Lát quản lý vì đó là đất rừng. Nghĩ đến đó, bà liền bảo 2 con dâu lên khoảnh đất rừng đó để chặt phát cây rồi lấy đất trồng ngô, sắn, sau này thu hoạch chia đều cho nhau. Nghe mẹ chồng bảo vậy, hai cô con dâu đồng ý và thống nhất ngày mai sẽ cùng nhau đến khu đất đó để chặt, phát cây rừng. Chị Pà còn nhanh nhẹn chạy sang mấy nhà trong bản để nhờ đổi công đi chặt cây. Váng cũng chạy về nhà bàn với chồng là A Lềnh về việc đi phát rừng. Biết khu vực trên là rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát quản lý, A Lềnh đã ngần ngừ một lúc nhưng rồi cũng đồng ý sẽ đi cùng vợ...
Thế là ngày hôm sau, bà So cùng các con trai, con dâu và nhóm người trong thôn vác dụng cụ rủ nhau đến khu vực khoảnh 7, tiểu khu 47 rừng phòng hộ để chặt phát cây. Sau khi chặt được ½ ngày thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Tổ công tác của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Lát đã yêu cầu mọi người dừng lại và ra về. Tuy nhiên, ngày hôm sau, do vẫn còn một phần diện tích rừng chưa chặt phát hết, nên hai cặp vợ chồng nhà A Lềnh, A Lùng lại tiếp tục đến khu vực trên dọn dẹp thêm.... Hậu quả của cả 2 lần phát dọn đã khiến 6.959 m2 rừng phòng hộ với những loại cây vầu, cây nứa và một số cây thân gỗ nhỏ đã bị chặt phá. Hành vi của 5 thành viên trong gia đình bà So bị lực lượng chức năng truy tố về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Khi được phân công tham gia bào chữa cho các bị cáo thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý trong vụ án hình sự, trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) khá bất ngờ khi cả 5 người trong một gia đình (gồm mẹ, 2 người con trai, 2 người con dâu) đều bị truy tố với tội danh huỷ hoại rừng. Các bị cáo, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đều là người dân tộc thiểu số, không nói được tiếng phổ thông. Họ sống cả đời bên rừng ở vùng đặc biệt khó khăn, mặc dù đã được tuyên truyền về chính sách bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhưng do nhận thức không đầy đủ và để có đất canh tác phục vụ cho nhu cầu cuộc sống nên đã tự ý khai phát nương rẫy ngay trong những cánh rừng phòng hộ dẫn đến hành vi phạm tội.
Đây là vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều người, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn. Các bị cáo đa phần đều không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông nên quá trình trợ giúp gặp nhiều khó khăn. Song, từ sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đặc biệt là những người có uy tín là người Mông đang công tác tại địa phương, TGVPL đã trao đổi nắm bắt được nguyện vọng của các đối tượng được TGVPL, giải thích cho họ về các quy định của pháp luật liên quan đến vụ án. Qua phiên dịch của những người có uy tín tại địa phương, họ đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bày tỏ sự ăn năn và sẵn sàng khắc phục thiệt hại đã gây ra, mong được giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án diễn ra vào tháng 1-2023 với sự theo dõi của nhiều người dân. Từ những tình tiết vụ án, TGVPL đã phân tích hoàn cảnh khó khăn và đáng cảm thông của các bị cáo. Họ đều là những công dân lương thiện, chưa có tiền án tiền sự. Động cơ, mục đích phạm tội xét cho cùng cũng xuất phát từ nhu cầu có đất để canh tác với mong muốn thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà dẫn đến hành vi phạm tội và bị đưa ra xét xử. TGVPL đề nghị xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách. Các phân tích, nhận định và các tình tiết giảm nhẹ mà TGVPL đưa ra tại phiên tòa đã được Hội đồng xét xử ghi nhận. Sau khi xem xét khách quan, công minh toàn bộ nội dung vụ án, 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án từ 20 đến 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
Phiên tòa kết thúc để lại nhiều dư âm. Bà So và 4 người con đã nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật; bà con Nhân dân trên địa bàn thêm một lần nắm bắt, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng phòng hộ, tránh lặp lại hành vi “hủy hoại rừng”. Từ vụ án này, có lẽ các cấp chính quyền địa phương cần nhìn nhận, đánh giá lại về việc bố trí quỹ đất sản xuất, tạo sinh kế cho người dân ở các huyện vùng núi cao.
(Tên đối tượng được TGPL đã thay đổi).
TGVPL Nguyễn Ngọc Khang
(Chi nhánh số 1, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh)
Nhận xét
Đăng nhận xét