Từ năm 1976 đến năm 2005, cả nước để mất khoảng 34.000ha rừng tự nhiên mỗi năm. Sau Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, tình trạng phá rừng giảm nhưng vẫn mất đến 25.000ha mỗi năm.
Con số được ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tại một hội thảo về kinh tế lâm nghiệp do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Buôn Ma Thuột hôm 4.4.
Còn Tây Nguyên, “thủ đô của lâm nghiệp”, từ 3,8 triệu hecta rừng tự nhiên với độ che phủ toàn vùng 70% đến nay chỉ còn khoảng 2,1 triệu hecta. Trong đó, chỉ còn 10% diện tích rừng giàu, chủ yếu phân bố ở 6 vườn quốc gia và các rừng phòng hộ - còn lại là rừng nghèo kiệt.
Với tốc độ phá rừng 34.000ha mỗi năm, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong một báo cáo năm 2005 từng đánh giá: Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau mỗi Nigeria.
Có lẽ nhắc đến rừng không thể không nhắc tới vụ mất đến 9.000ha rừng ở Gia Lai.
Chỉ một Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ, trong chỉ 7-8 năm đã để mất tới 9.000ha. Trong những khu vực bị phá này, có những vùng rừng đã bị chiếm để canh tác nông nghiệp, có những vùng bị xâm nhập trái phép để chặt, đốt, khai thác trộm lâm sản. Và có cả những vùng rừng bị phá trắng.
Cũng cần phải mở ngoặc, 9.000ha rừng bị mất là trên tổng số 13.000ha được giao quản lý.
Nhưng nói một cách công bằng, trong diện tích khổng lồ bị mất ấy, có không ít chỉ là “rừng trên giấy”. Có nghĩa là trên giấy tờ thì ghi là có rừng, nhưng thực tế chỉ là đất trống, đồi núi trọc...
Cũng trong thực tế, kiểm lâm cũng không thể trông giữ cách gì cho xuể khi mà chẳng hạn một nhân viên bảo vệ rừng có trách nhiệm coi giữ từ 1.000 - 3.000ha rừng.
Vừa tháng trước, Công an Lai Châu đã bắt cả đoàn thanh tra công tác bảo vệ rừng, bắt luôn đến 9 vị trưởng Ban quản lý rừng, 7 đương và 2 cựu.
Tại Hội thảo nói trên, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nói rằng: Nhà nước đã có nhiều chính sách bảo vệ rừng, nhưng thực tế một số chính sách, chủ trương chưa thực sự đảm bảo cuộc sống cho người dân, cho lực lượng quản lý rừng. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, với thực trạng như hiện nay, rừng đang là "gánh nặng" cho địa phương.
Có lẽ, nhìn đúng, nhìn thẳng vào thực tế, từ những chính sách chưa phù hợp, chưa đảm bảo... những nguyên nhân chủ quan thuộc vệ trách nhiệm của người bảo vệ rừng thì mới bảo vệ được rừng.
Huống chi cũng có cách gì để giữ khi rừng chỉ còn trên giấy. Ai biết trong số 2,1 triệu hecta rừng còn sót lại ở Tây Nguyên thì bao nhiêu chỉ còn trên giấy?!
Nhận xét
Đăng nhận xét