BPO - Hàng chục năm qua, hơn 300 ha đất cằn, hoang cách trung tâm TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước không xa đã được phủ màu xanh bạt ngàn của nhiều cây gỗ quý. Rừng xanh không chỉ giúp bảo tồn nhiều loại gỗ, tạo môi trường sinh thái trong lành cho động vật hoang dã quý hiếm sinh sống mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Người đổ nhiều mồ hôi, tâm sức để biến 300 ha đất cằn thành rừng xanh đó chính là ông Trần Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Vĩnh Phúc (Công ty Vĩnh Phúc), ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú.
Trồng cây gây rừng
Từ TP. Đồng Xoài theo quốc lộ 14 hướng đi các tỉnh Tây Nguyên, đến Km9 thuộc địa phận huyện Đồng Phú, nhìn phía bên tay phải mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một cánh rừng bạt ngàn với những cây gỗ lớn, quý hiếm. Xen lẫn trong rừng trồng, tái sinh này là khu tăng gia sản xuất, cây ăn trái, cao su, điều, ao, hồ, suối, nhà ở (thường gọi là Nông trại Vĩnh Phúc). Nhưng chiếm diện tích lớn nhất vẫn là rừng trồng, tái sinh với 176 ha. Đặc biệt, khu rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ suốt gần 30 năm qua với nhiều cây gỗ quý hiếm như lim xanh, lim đỏ, sao, dầu. Hiện đường kính bình quân của các loại gỗ quý từ 35-40cm, trong đó có nhiều cây gỗ phải đến 4 người ôm mới xuể. Bên cạnh khu rừng già trồng, tái sinh được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt bằng 17km thép gai thì việc trồng mới vẫn tiếp diễn hằng năm với nhiều loại cây gỗ quý như sưa, gõ đỏ, cẩm lai, lim xanh, lát hoa lớn, bé. Ngoài ra, những khu vực khe sâu trước đây người dân chưa thể tiếp cận, khai thác được thì vẫn còn các cụm rừng nguyên sinh nhưng số lượng không nhiều.
Một góc khuôn viên tuyệt đẹp của Nông trại Vĩnh Phúc, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú
Nhìn khu rừng ngút tầm mắt xanh tốt, tràn đầy sức sống đó ít ai biết rằng trước đây là khu vực đất cằn, hoang, khó phát triển, được ông Trần Tấn thuê lại theo chủ trương của Nhà nước. Ông Tấn kể: Khoảng năm 1995, khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đồi trọc, lúc đó tôi còn là chiến sĩ công an, tôi thích rừng và tìm hiểu bạn bè, người thân rồi đến nhận khoán trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và cây ăn trái. Khoảng từ năm 2010 thì chuyển sang thuê đất trồng cây lâu năm. “Ngày xưa ở đây là vùng đất đã được người dân khai thác, sau đó bỏ hoang nên chỉ có một vài bụi lồ ô xen kẽ bên khe suối. Khi nhận khoán thì mình mới phát động anh em cải tạo đất, trồng cây gây rừng. Chỗ nào gần khe suối thì trồng cây ăn trái, khu vực đường biên thì trồng cao su, điều, những nơi nào có khả năng tái sinh thì trồng xen cây rừng, bổ sung những cây gỗ quý để bảo tồn gen gỗ cho muôn đời sau” - ông Tấn nhớ lại.
Trong nông trại có nhiều cây gỗ lớn, quý hiếm nhiều người ôm không xuể
Cùng với quá trình trồng và tái sinh rừng, việc phát triển sản xuất lâu dần đã xây dựng, hình thành 6 hồ lớn với diện tích 8 ha mặt nước. Đây không chỉ là nơi lưu giữ nguồn nước tưới mà còn tạo không gian sơn thủy hữu tình, thoáng đãng, khu vực sinh thái trong lành, dịu mát, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt đây là nơi sinh sống của các loại tôm cá, nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Nông trại có nhiều ao, hồ tạo không gian sơn thủy hữu tình, thơ mộng
Ông Tấn cho biết, xung quanh khu vực này trước không còn rừng nên những con thú hoang nào còn sống được thì chạy về đây. Chỉ trừ những loài thú dữ, còn ở rừng tự nhiên có gì thì ở đây đều có đủ, nổi bật là hươu, nai, heo rừng, khỉ, voọc, chồn, nhím, cheo và nhiều loại chim muông khác. Nơi đây như một chốn nương náu an toàn cho muông thú, nên người dân khi bắt được động vật hoang dã quý đều đưa về đây thả như chồn hương, trăn, khỉ, rùa, trong đó con rùa tự nhiên nặng gần 40kg.
Tình yêu thiên nhiên cháy bỏng
Để trồng, gìn giữ khu rừng xanh bạt ngàn với thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng gần trung tâm thành phố Đồng Xoài không chỉ đơn giản vì lợi ích kinh tế, sâu xa hơn đó chính là tình yêu thiên nhiên, tình yêu rừng cháy bỏng, mãnh liệt của ông Tấn. “Là người lính từng sống ở rừng, rừng che chở cho mình nên tôi đặc biệt yêu rừng. Hơn nữa, 1 cây rừng to lớn cả người ôm mà giá trị bán chỉ từ 5-7 triệu đồng thì quá rẻ, bởi cả trăm năm mới có 1 cây gỗ rừng quý. Không chỉ vậy, rừng còn góp phần giữ môi trường sinh thái trong lành, mát dịu” - ông Tấn chia sẻ. Chính vì vậy mà với ông, mong ước lớn nhất là tất cả loại cây trồng được giữ lại nơi đây không bao giờ bị chặt mà để lại cho con cháu sau này.
Cách TP. Đồng Xoài chỉ 9km nhưng khí hậu ở đây luôn mát mẻ, chênh nhau từ 2-4 độ, ban đêm phải đắp mền, không cần máy lạnh hay quạt. Điều đó chứng tỏ rằng rừng đem lại nguồn nước dồi dào, môi trường sinh thái, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chỗ dựa cho các loài thú quý hiếm và chim muông về sinh sống... Ông TRẦN TẤN, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh - dịch vụ Vĩnh Phúc |
Nơi của nhiều kỷ lục
Không chỉ trồng, tái sinh rừng, phát triển sản xuất, Công ty Vĩnh Phúc đang từng bước đầu tư xây dựng để nơi đây thành quần thể du lịch xanh, khu nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng. Đến với Nông trại Vĩnh Phúc, mọi người sẽ được tận mắt nhìn thấy nhiều công trình thú vị, đã được chứng nhận Kỷ lục Việt Nam. Đó là cây cầu gỗ lợp ngói bắc qua con suối nhỏ tại nông trại có tên “Cầu Đồng Phú”. Cầu dài 72m, rộng 3,6m, chiều dài nhà gỗ lợp ngói 27m, chiều cao 2,7m; phần nhà chờ có diện tích 6,3x6,3m, đường kính của cây gỗ (phần giữa) là 1,26m. Với những đặc điểm đó, cầu gỗ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố và trao bằng xác lập kỷ lục “Nông trại du lịch sinh thái có cây cầu gỗ lợp ngói, đà cầu bằng thân gỗ nguyên khối dài nhất Việt Nam” vào ngày 26-1-2018.
Có cầu độc mộc được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận, xác lập
Ngoài ra, Nông trại Vĩnh Phúc còn có nhiều kiến trúc độc đáo, đặc trưng như nhà sàn, nhà thờ tâm linh, đặc biệt là tháp Sơn Đăng 11 tầng, cao 33m so với mặt đất và 170m so với mặt nước biển. Tháp Sơn Đăng cũng đã được VietKings công bố và trao bằng xác lập kỷ lục “Nông trại du lịch sinh thái có tòa tháp Sơn Đăng cao nhất Việt Nam” vào ngày 15-10-2019.
Hiện Công ty Vĩnh Phúc đã quy hoạch vùng đất khoảng 5 ha ngay ở trung tâm nông trại để xây dựng các hạng mục, công trình nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu hạt điều Bình Phước. Bởi theo ông Tấn, Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước nhưng cho đến nay vẫn chưa có một không gian đủ tầm để quảng bá hạt điều của tỉnh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Ông Trần Tấn giới thiệu về khu rừng sao trong Nông trại Vĩnh Phúc rộng hàng chục héc ta được bảo vệ nghiêm ngặt
Nông trại Vĩnh Phúc được biết đến là “địa chỉ đỏ”, ngoài thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến du ngoạn thì đây còn được các cấp chính quyền chọn làm nơi trồng cây theo gương Bác vào dịp đầu xuân hằng năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét