Chuyên trang Dalberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng, rừng là nơi vừa có thể phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường nên cần sự bảo vệ, khai thác khéo léo.
Phát triển giá trị đa dụng hứa hẹn mở ra 'kho báu' từ rừng
Dự án Sài Gòn - Đại Ninh để mất hàng trăm ha rừng
Xử lý trách nhiệm vụ gần 1ha rừng ngập mặn bị san ủi trái phép
Phải phát huy đa giá trị từ rừng
Từ thực tế đó, nếu làm đúng, rừng có thể là nơi khai thác được các sản phẩm có giá trị trong khi vẫn đảm bảo được sự đa dạng sinh học cũng như duy trì được độ che phủ.
Có thể không?
Một câu hỏi mà hiện nay nhiều người đặt ra đó là nếu khai thác, sử dụng các sản phẩm từ rừng thì có duy trì được độ che phủ cũng như giảm được tác động lên môi trường hay không? Nếu quản lý rừng bền vững, bảo vệ được sự đa dạng sinh học và thúc đẩy việc đa dạng hóa các giá trị từ rừng thì câu trả lời hoàn toàn là có.
Theo chuyên trang về môi trường Dalberg, chúng ta có thể vừa nâng cao được hiệu quả kinh tế từ rừng mà vẫn tăng được tỷ lệ che phủ. Câu trả lời nằm ở các phương pháp tiệm cận bền vững, tránh sản xuất độc canh và đầu tư vào các dịch vụ đa dạng thay vì khai thác toàn bộ tài nguyên của rừng.
Tại một số quốc gia như Canada hay Colombia, các chương trình bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ tái sinh đang được đẩy mạnh, khuyến khích trồng đa dạng loài trên diện tích lớn.
Ví dụ, tại Canada, các khu rừng thuộc sở hữu công chiếm khoảng 91% diện tích rừng của quốc gia này và việc quản lý rừng bền vững đã được thực hiện qua nhiều thập kỷ. Các chính sách và luật của quốc gia Bắc Mỹ này được đưa ra để đảm bảo mọi diện tích rừng thuộc sở hữu công sau khi khai thác phải được trồng mới hoặc tái sinh tự nhiên. Điều này giúp cho tỷ lệ phá rừng ở Canada liên tục giảm trong 3 thập kỷ vừa qua.
Trong khi đó, ở Nam Mỹ, Colombia đang triển khai một kế hoạch phát triển rừng bền vững khi cho phép các tổ chức/cá nhân bị cho là khai thác trái phép trước đây được đầu tư vào quản lý và khai thác rừng bền vững.
Những chương trình của Canada hay Colombia đều cho thấy, khi có được một nguồn cung ổn định từ những diện tích rừng bền vững và nguồn cung đó được điều tiết tốt thì hoàn toàn có thể phát triển được một ngành kinh tế rừng hiệu quả.
Ngoài đem lại giá trị kinh tế, việc khai thác nguồn lợi từ rừng một cách bền vững còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong chuỗi giá trị. Ví dụ như các vị trí liên quan đến khai thác, chế biến, tái sinh, trồng mới...
Ở Canada, những việc làm liên quan đến hoạt động tái sinh, trồng mới rừng đã đóng góp không nhỏ vào GDP của quốc gia, ví dụ như năm 2017, lĩnh vực này đem lại khoảng 24,6 tỷ USD.
Ngoài ra, những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mỗi việc làm trong ngành lâm nghiệp có thể tạo ra được từ 1,5 - 2,5 việc làm trong các ngành kinh tế khác do phần lớn thu nhập của lao động lâm nghiệp được sử dụng vào mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, kinh tế rừng còn có thể giúp phát triển cộng đồng. Tại Acre, Brazil, chính quyền đã hỗ trợ để thành lập HTX Sản xuất rừng của cộng đồng (COOPERFLORESTA), với hơn 200 thành viên canh tác rừng trên các mảnh đất riêng lẻ nhưng cùng nhau thu hoạch và tiếp thị sản phẩm cho ngành ván ép.
Bên cạnh lợi nhuận từ việc bán gỗ, HTX này cũng thu được rất nhiều giá trị từ việc bán dịch vụ môi trường rừng cho những doanh nghiệp hoạt động ngoài ngành lâm nghiệp.
Bền vững, tuần hoàn là giải pháp cho tương lai
Theo đánh giá của Dalberg, đến năm 2030, việc quản lý rừng bền vững có thể hạn chế được tác động của nạn phá rừng đồng thời tạo ra thêm khoảng 230 tỷ USD cơ hội kinh doanh cùng với 16 triệu việc làm. Chìa khóa của vấn đề này là nhận thức đưa tài nguyên thiên nhiên của rừng vào trung tâm của chuỗi sản xuất, xây dựng nền kinh tế rừng theo hướng tuần hoàn và bền vững.
Hiện nay, có nhiều giá trị ấn tượng liên quan đến rừng và ngành lâm nghiệp mà không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Theo đó, chúng là nhà của hơn 60.000 loại cây, là nơi trú ẩn cho 80% các loài lưỡng cư, 75% các loài chim và 68% các loài động vật có vú trên toàn cầu.
Rừng hấp thụ khí carbon, lọc không khí và ở những nơi ẩm ướt, bộ rễ của rừng cũng là vườn ươm cho nhiều loài cá. Rễ cây của những khu rừng ngập mặn còn đóng vai trò là nơi lưu giữ trầm tích, bảo vệ môi trường sống của nhiều loài như thảm cỏ biển hay rạn san hô.
Về đóng góp cho nền kinh tế, mỗi năm ngành lâm nghiệp đem về giá trị khoảng 1.300 tỷ USD trên toàn cầu. Trong đó, riêng ngành gỗ đóng góp giá trị khoảng 600 tỷ USD.
Ngoài ra, giá trị toàn diện của rừng còn có thể tính riêng đối với mỗi quốc gia. Như ở lưu vực sông Congo, có khoảng 80 triệu người phụ thuộc vào hệ sinh thái rừng để kiếm sống, đổi lấy thức ăn, năng lượng, thuốc men và nước uống.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Công viên Quốc gia Virunga mỗi năm đem về hơn 49 triệu USD và giải quyết việc làm cho 45.000 người. Trong khi đó, ở Ethiopia, hơn 13% GDP của đất nước phụ thuộc vào rừng với một nửa dân số làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Ở quốc gia phát triển như Canada, năm 2017, lâm nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 200.000 người. Dịch xuống phía Nam, tính trong năm 2011, ngành lâm nghiệp đóng góp khoảng 1,8 tỷ USD cho nền kinh tế Colombia.
Bạn đang đọc bài viết Các nước vừa giữ rừng, vừa thu được lợi từ rừng như thế nào? tại chuyên mục Thời sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét