Dù diện tích rừng bị tác động thực tế chỉ hơn 30 hecta nhưng UBND tỉnh Cao Bằng lại phê duyệt chuyển đổi hơn 150 hecta rừng phòng hộ thuộc huyện Trùng Khánh.
Ký duyệt chuyển đổi 'thừa' 121 hecta rừng phòng hộ?
Liên quan đến loạt bài "xóa sổ" hàng chục hecta rừng để triển khai các dự án ở Cao Bằng, tài liệu VietNamNet thu thập được cho thấy, các bước thẩm định để chuyển mục đích rừng tự nhiên chưa đảm bảo về diện tích thực tế cần chuyển đổi.
Cụ thể, để triển khai dự án đường tỉnh 206 đoạn từ xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) đi cửa khẩu Lý Vạn (huyện Hạ Lang), năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo ký quyết định số 2355 chuyển đổi 153,47 hecta rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để "phục vụ mục đích công cộng làm đường giao thông".
Hơn 4 năm sau quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nêu trên, các đơn vị nhà thầu thi công đã tác động vào khoảng 28 hecta rừng thuộc địa phận xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh).
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó ban Quản lý dự án (thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng - đơn vị chủ đầu tư đường tỉnh 206) xác nhận: "Ngày 17/7/2021, các đơn vị thi công bắt đầu thi công mở đường mới đi qua rừng".
Tuy nhiên, phải đến ngày 10/8/2021 (thời điểm rừng đã bị tác động), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo mới ký ban hành văn bản số 1415 về việc "điều chỉnh diện tích rừng chuyển đổi mục đích sang mục đích khác thuộc dự án đường tỉnh 206".
Nội dung quyết định này thể hiện: Điều chỉnh diện tích rừng chuyển đổi từ 153,47 hecta xuống còn 32,19 hecta (giảm 121,28 hecta rừng). Quyết định trên được ban hành căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017 và căn cứ quyết định số 2355 được ban hành trước đó.
Được biết, theo pháp luật hiện hành, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là điều kiện quan trọng nhất trước khi các nhà thầu tác động vào rừng khi triển khai dự án.
Là người trực tiếp đặt bút ký vào 2 quyết định 2355 (tháng 12/2017) và quyết định 1415 (tháng 8/2021), ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho VietNamNet biết nguyên nhân là do cơ quan chuyên môn khi làm hồ sơ đã tính toán sai.
"Lúc làm hồ sơ, cơ quan tham mưu đưa cả diện tích làm nương rẫy của bà con vào, tuy nhiên sau khi rà soát lại tỉnh đã bãi bỏ quyết định cũ và điều chỉnh lại đúng thực tế diện tích rừng bị tác động", ông Thảo lý giải.
Trước câu hỏi vì sao phải hơn 4 năm sau tỉnh mới điều chỉnh diện tích rừng được chuyển đổi, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thảo cho rằng "rừng chưa bị tác động, mới chỉ chuyển đổi trên giấy tờ" và chưa để lại hậu quả.
Theo ông Thảo, dự án đường 206 và dự án đường Tĩnh Túc - Mai Long - Pắc Nặm đều được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, do đó, về cơ bản các thủ tục đã đạt chuẩn khi triển khai.
Tuy nhiên, ông Thảo thừa nhận đối với đường tỉnh 206, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định mà đã tác động đến rừng. Còn đường Tĩnh Túc - Mai Long - Pắc Nặm thì diện tích rừng tự nhiên chưa thực hiện xin Thủ tướng chuyển đổi mục đích theo Luật Lâm nghiệp hiện hành.
"Hiện nay, chúng tôi đang xin ý kiến của Bộ NN&PTNT về hướng khắc phục những tồn tại khi thi công đường và các dự án khai thác khoáng sản. Đề xuất của tỉnh là cho phép chủ đầu tư thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành. Đối với những diện tích chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì nay không thể thực hiện do rừng đã bị tác động, không còn căn cứ để thẩm định", ông Nguyễn Trung Thảo thông tin.
Ngoài dự án đường tỉnh 206, theo tài liệu của VietNamNet thu thập được, có nhiều dự án làm đường giao thông khác tại Cao Bằng chưa tuân thủ quy trình đã tác động vào rừng tự nhiên.
Cụ thể, dự án đường Tĩnh Túc - Phan Thanh - Mai Long (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) - Pắc Nặm (Bắc Kạn) thi công năm 2021 mà chưa được Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng. Dự án này cũng do Sở KH&ĐT tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư.
Dự án trên đã tác động tới hơn 24 hecta rừng, trong đó có hơn 7 hecta rừng tự nhiên. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, đối với diện tích rừng tự nhiên, chủ đầu tư muốn thi công thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Nghiêm trọng hơn, dự án Quốc lộ 34 - xã Phan Thanh, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén, xã Thành Công do UBND huyện Nguyên Bình làm chủ đầu tư đã tác động vào rừng đặc dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Theo tài liệu có được, qua kiểm tra hiện trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng xác định có 7.200m2 thuộc quy hoạch rừng đặc dụng bị tác động nằm ngoài khu vực dự án do 3 đơn vị thi công gây ra.
Số diện tích rừng đặc dụng bị tác động trên do 3 đơn vị gây ra, cụ thể: Công ty CP Đầu tư xây dựng Ân Phú tác động hơn 4.600m2; Công ty CP xây dựng 399 tác động hơn 1.200m2 và Công ty thương mại Xuân Hòa tác động gần 1.200m2.
Sau phản ánh của VietNamNet về việc nhiều dự án khi triển khai đã tác động vào rừng khi chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã yêu cầu các đơn vị báo cáo.
Theo ông Ánh, tỉnh đã nắm bắt được những nội dung liên quan đến việc rừng bị tác động khi triển khai dự án làm đường tỉnh 206, các dự án khai thác lộ thiên mỏ khoáng sản...
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Cao Bằng đã có cuộc họp sơ bộ để nghe các đơn vị báo cáo về việc thực hiện dự án. Bước đầu xác minh, có phát hiện một số sai phạm khi triển khai các dự án nêu trên.
"Tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, chủ đầu tư và các địa phương rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan. Hiện nay các cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện hồ sơ", ông Ánh cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: "Quan điểm của tỉnh là nếu sai thì sẽ xử lý, tùy theo mức độ, tính chất sẽ có những hình thức xử lý đúng bản chất sự việc".
Theo ông Ánh, chủ thể tác động đến rừng là cơ quan nhà nước và các nhà thầu nên quá trình xem xét, rà soát được thực hiện chặt chẽ hơn.
"Bước đầu chúng tôi xác định có thực trạng đơn vị thi công đổ thải không đúng quy định, lấn vào rừng. Chúng tôi đang giao cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại về cự ly đổ thải", ông Ánh nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét