(Chinhphu.vn) - Tại hội nghị làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tổ chức sáng 13/4, các hiệp hội đề xuất nhiều giải pháp dài hạn nhằm tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành gỗ trước tình hình xuất khẩu gỗ và lâm sản từ quý I/2023 đến nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc sụt giảm này xuất phát từ nhiều khó khăn, như lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, nên các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xung đột địa chính trị (Nga-Ukraine) tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, như chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao...
Chính sách thuế, bảo hiểm xã hội và tín dụng cho doanh nghiệp trong nước cũng còn một số khó khăn trong quá trình thực thi.
Ngành gỗ yếu về thị trường
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, đặc điểm của ngành gỗ Việt Nam là rất yếu về thị trường, trong khi các nhà mua hàng, nhất là các tập đoàn lớn đang có chính sách đa dạng nguồn cung, không tập trung vào một thị trường, hay một nhà máy để ổn định nguồn cung.
"Chúng ta hiện tại mới đi một chân, mới lo cơ sở sản xuất, còn công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là thị trường còn yếu. Đó là 2 tồn tại tác động rất lớn đến tình hình xuất khẩu gỗ của ngành gỗ", ông Đỗ Xuân Lập nói.
Ngoài ra, ngành gỗ hiện tại cũng đang đương đầu với rất nhiều tranh chấp thương mại. Bộ NN&PTNT đã giải quyết thành công 1 vụ. Còn 2 vụ khác thì ngành gỗ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để giải quyết.
Đứng trước tình hình đó, toàn ngành gỗ đã thành lập công ty tổ chức sự kiện, tổ chức các hội chợ của ngành và đã tổ chức hội chợ đầu tiên của toàn ngành vào tháng 2 vừa qua tại TPHCM.
Trong năm nay, dự kiến ngành sẽ tổ chức hội chợ thứ 2 vào tháng 8 ở Bình Dương, và sang năm sẽ có 4 hội chợ quốc tế. Ngành gỗ muốn các hội chợ này trở thành thường niên và là địa chỉ tin cậy cho các nhà mua hàng.
Đối với các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có sức hút và thương hiệu với thị trường, thì trọng tâm là tạo ra các sản phẩm có giá thành thấp, có giá trị gia tăng cao bằng việc nâng cao năng lực quản trị, thay đổi cấu trúc lại dây chuyền, công nghệ để sản phẩm ra có giá thành tốt.
Các doanh nghiệp hiện tại đang đẩy mạnh sử dụng các nguyên liệu gỗ rừng trong nước, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
"Tất cả doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ chủ lực của rừng trồng Việt Nam thì vừa bền vững, vừa có giá thành thấp, ổn định và không vướng vào tranh chấp thương mại đối với quốc tế. Cho nên, các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Đây là mục tiêu và con đường đi của doanh nghiệp Việt bây giờ. Ngành gỗ hiện đang sử dụng tất cả các kênh bán hàng, hội chợ, thương mại điện tử để xâm nhập vào ngành gỗ quốc tế", ông Đỗ Xuân Lập cho biết.
Kiến nghị về chính sách thuế
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, các thị trường chính ngành gỗ (chủ yếu là sản phẩm chế biến sâu, như đồ nội thất) đang bị giảm sút là Mỹ và châu Âu. Còn các sản phẩm trung gian của ngành gỗ, như ván, dăm, viên nén đang có thị trường rất tốt, tập trung chủ yếu ở thị trường Đông Bắc Á (chủ yếu là đồ nội thất) và Trung Bắc Á.
Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này đang bị hoàn thuế chậm. "Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, ngành gỗ để khai thông vấn đề hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước", ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.
Một nội dung khác về thuế, đó là việc áp mức thuế suất 5% lên sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31). Đây là sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn, đang có sức hút trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, nhất là viên nén này được sản xuất từ nguồn gỗ có chứng chỉ. Do đó, Hiệp hội đề nghị xem xét vấn đề thuế để thúc đẩy ngành này phát triển, vì đây là bệ đỡ cho việc tiêu thụ gỗ rừng trồng trong nước, vừa nâng cao xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng cho rằng, cần đẩy mạnh sản xuất đồ gỗ trong nước và có chính sách chi tiêu công, chính sách tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm từ gỗ rừng trồng Việt Nam, hạn chế sử dụng các sản phẩm gỗ nhập khẩu, đặc biệt sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên. Đồng thời có chính sách hỗ trợ trồng rừng hiện tại, tiến tới dần dần phải có chứng chỉ.
Tổ chức hội chợ quốc tế ngành gỗ
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết thêm, hiện nay các trung tâm tổ chức hội chợ quốc tế ngành gỗ của Việt Nam còn rất nhỏ bé so với các hội chợ tại khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến quốc tế. Việt Nam không có trung tâm tổ chức triển lãm đủ lớn, có tầm quy mô khu vực.
Bên cạnh đó, theo chiến lược phát triển ngành gỗ, cần thành lập các khu, cụm công nghiệp ngành gỗ, nhưng hiện nay chúng ta mới có được 1, 2 khu.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương quy hoạch có khu, cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ, cũng như có không gian đủ lớn để tổ chức hội chợ ngang tầm quốc tế.
Một vấn đề khác ông Đỗ Xuân Lập đề cập trong Hội nghị là chi phí tham gia hội chợ quốc tế. Hiện nay, chi phí tham gia hội chợ quốc tế ngành gỗ rất cao, trong khi chính sách kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia lại rất nhỏ. Do đó, ông Lập mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế lớn, thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Xúc tiến thương mại phải bắt đầu từ nghiên cứu thị trường
Tuy bị động về thị trường, nhưng theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, ngành gỗ vẫn có mặt tích cực. Theo sự thống kê của Tạp chí Đồ gỗ xuất khẩu thế giới, thì Việt Nam đang đứng thứ 2 về xuất khẩu và các nước xung quanh như Ba Lan, Đức, Italy thì cũng tầm 5, 6% và Trung Quốc đứng đầu là 30%.
Ngành gỗ hiện nay có thể kết hợp với rất nhiều vật liệu khác nhau, Việt Nam làm được, nhưng thị trường này chưa được khai thác nhiều.
"Chúng ta cũng chưa khai thác được nhiều thị trường ngành gỗ trong xây dựng so với các nước trong khu vực, như Malaysia, Indonesia", ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Về xúc tiến thương mại, theo Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, công tác xúc tiến thương mại phải bắt đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu xuất khẩu, rồi mới đến công tác truyền thông quảng bá và hội chợ, sự kiện. Do đó, công tác xúc tiến thương mại Việt Nam làm chưa có căn cơ. Tham khảo mô hình phát triển của Ba Lan, một đối thủ của Việt Nam, thì họ có cơ chế phòng thương mại riêng cho các ngành hàng đồ gỗ khác nhau và có các chương trình bài bản.
Do đó, ông Nguyễn Chánh Phương kiến nghị, cần xây dựng một bộ máy xúc tiến thương mại cấp ngành hiệu quả.
"Trong các năm vừa rồi, Bộ Công Thương thông qua Cục Xúc tiến thương mại đã duy trì liên tục các chương trình xúc tiến thương mại, tuy nhiên ngân sách ít, chỉ có hơn 100 tỷ đồng cho tất cả các ngành hàng, nên mỗi ngành hàng chỉ có vài tỷ đồng, sẽ rất hạn chế", ông Nguyễn Chánh Phương đánh giá.
Một điểm nữa trong xúc tiến thương mại là cần tận dụng sự hỗ trợ của các tham tán, đại sứ quán của Việt Nam tại các nước. Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM kiến nghị xây dựng một hình ảnh của các ngành hàng Việt Nam qua các showroom, đặc biệt là nội thất hay sản phẩm gỗ trong các đại sứ quán để thúc đẩy quá trình xúc tiến thương mại.
Khó khăn trong tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Định cho hay, toàn ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp khác nói riêng đang vướng mắc rất nhiều về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đặc biệt là Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Quy chuẩn 06022 của Bộ Xây dựng.
Qua tổng kiểm tra 153 của Bộ Công an, riêng Bình Định nói riêng và toàn ngành gỗ nói chung, có rất nhiều doanh nghiệp bị phạt về PCCC. Ngoài mức xử phạt hành chính từ 80- 90 triệu đồng/cơ sở, với những lỗi liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng, thì doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động nhà máy. Đặc biệt việc, xuất hàng sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, cần phải có các chứng chỉ, trong đó, ngoài tác động môi trường thì PCCC là một tiêu chí.
"Hiện tại các doanh nghiệp đang chờ hướng chỉ đạo của Chính phủ để Bộ Công an và Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề này", ông Lê Minh Thiện cho hay.
Trước tình hình khó khăn của ngành gỗ, ông Thiện đề nghị rà soát các tiêu chuẩn PCCC đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp, tiếp tục rà soát QCVN 0622 của Bộ Xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC theo hướng phù hợp với năng lực và điều kiện của đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp sang hiện đại.
Ngoài ra, một số công trình đã xây dựng và đưa vào hoạt động theo diện thu hút đầu tư của nhà nước, hiện hầu hết các công trình này không thể đáp ứng quy định tiêu chuẩn hiện hành về khoảng cách an toàn chữa cháy, khoảng cách đường ranh giới khu đất.
Như vậy, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn. Nếu yêu cầu chủ doanh nghiệp khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan công an để duy trì đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và đưa vào hoạt động, như thiếu hệ thống, phương tiện PCCC, hệ thống nhà xưởng, kiến trúc trước đây, giờ chỉnh sửa lại theo yêu cầu mới là không thể làm được.
Bên cạnh tiêu chuẩn về PCCC, ông Lê Minh Thiện cũng đề cập đến vướng mắc trong việc sử dụng lao động phải ký xác nhận để nghỉ và nhận trợ cấp một lần, dẫn đến doanh nghiệp mất nhiều lao động lành nghề. Thời gian vừa qua, ngành lâm nghiệp nói chung và ngành nghề chế biến nói riêng đang thiếu hụt trầm trọng lao động chất lượng cao và được đào tạo bài bản, dẫn đến những khó khăn trong thu hút và tuyển dụng lao động.
"Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép có chính sách cầu nối doanh nghiệp gặp khó khăn đơn hàng thị trường xuất khẩu nợ nộp tiền bảo trợ xã hội trong 2023, có chính sách hỗ trợ phù hợp với người lao động trong 2023, có chính sách thay đổi trong đào tạo lực lượng lao động, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao", ông Thiện đề xuất.
Thu Hằng
Nhận xét
Đăng nhận xét