Dưới những tán rừng già của thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) có khoảng 1.000 cây trà hoa vàng mà người dân nơi đây coi như báu vật.
Cây trà hoa vàng mọc trong những cánh rừng già trên đỉnh Nà Mổ từ bao giờ không ai hay, chỉ biết rằng trong tỉnh, trong huyện mỗi nơi đây có, bởi vậy chúng tôi gìn giữ giống trà này như báu vật”, anh Cư Seo Quáng, Trưởng thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện về “báu vật” của thôn mình như vậy.
Nà Mổ trước đây là thôn riêng, nằm chon von bên dốc núi (cái tên Nà Mổ để chỉ vùng đất rất khó đi), sau đó được sáp nhập với các thôn lân cận và mang tên chung là thôn Nà Chí Phàng. Dẫu địa giới hành chính hay cách gọi thôn thay đổi thì cánh rừng tự nhiên vẫn được người dân xung quanh gìn giữ và gọi với cái tên thân thuộc: Rừng Nà Mổ.
Người dân Nà Mổ nỗ lực bảo vệ quần thể hơn 1.000 cây trà hoa vàng.
Rừng Nà Mổ như một định danh không thể thay thế dù đây không phải khu rừng cấm đậm chất tâm linh như ở các thôn, bản vùng cao khác. Địa danh “bất khả xâm phạm” này dù không phải cánh “rừng thiêng” cần thờ cúng mỗi năm nhưng người dân trong thôn, trong xã ai cũng biết tới vì trong đó lưu giữ một báu vật, đó là trà hoa vàng.
Anh Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã giới thiệu về loại trà quý của xã với niềm tự hào và cũng sẻ chia những nỗi niềm trăn trở.
Theo anh Toán, trà hoa vàng là loại trà quý chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc, nhưng lại chưa nhiều người biết đến. Hiện người dân nơi đây chỉ đang gìn giữ phục vụ nghiên cứu, bảo tồn chứ chưa thể khai thác để mang lại giá trị kinh tế. Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành phố, trà hoa vàng đã được chế biến thành một loại trà cao cấp với giá bán rất đắt. Tại Si Ma Cai, trà hoa vàng duy nhất có ở rừng Nà Mổ.
Trước đây, người dân Nà Mổ không biết giá trị của loại trà này nên không gìn giữ. Bà con thường gọi là chè rừng, thi thoảng hái lá bánh tẻ về đun nước uống, thân cây thì chặt làm củi.
Dưới tán rừng Nà Mổ, quần thể trà hoa vàng hiện có khoảng 1.000 cây, mọc hoang dã, phân bố rải rác, xen lẫn với những cây rừng khác. Những năm trước, khi phát hiện đây là loại trà quý, chính quyền xã mới bắt đầu có phương án bảo tồn.
Anh Toán cầm quả trà to bằng đúng chén trà, màu đỏ thẫm, nói: Xã đang phối hợp với các cơ quan của huyện nhân giống bằng hạt và giâm cành, nhưng trước hết là bảo vệ số cây đang có.
Với số lượng cây đang có, chúng tôi dự kiến khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để trồng tập trung, sau có thể phát triển thành vùng hàng hóa đặc sản. Có lẽ dự định về sản phẩm trà hoa vàng đặc sản mang tên Si Ma Cai là một hành trình rất dài và đòi hỏi nhiều công sức, nhưng hành trình dài nào cũng cần những bước đi đầu tiên.
“Ai phá rừng, đặc biệt là phá cây trà hoa vàng mà bị phát hiện thì sẽ được mang lên cân. Người vi phạm nặng bao nhiêu cân thì phải nộp bấy nhiêu cân thịt và bằng ấy lít rượu, đồng thời phải mời thầy về “làm lý”, xin lỗi về hành vi sai trái của mình”, anh Cư Seo Quáng, Trưởng thôn Nà Chí Phàng nói chắc nịch.
Nhận xét
Đăng nhận xét