(CLO) Thời gian gần đây, nhiều cây gỗ lớn tại cánh rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai, huyện Kbang (Gia Lai) liên tục bị lâm tặc “xẻ thịt”. Đáng nói, bên cạnh việc cưa hạ cây rừng để lấy gỗ còn xuất hiện tình trạng phá rừng nghi để “trả thù” chủ rừng.
Rừng liên tục bị “xẻ thịt”
Ngoài Kông Chro, thời gian gần đây huyện Kbang cũng trở thành điểm nóng phá rừng. Nhiều cây gỗ lớn bị các đối tượng lâm tặc ngang nhiên cưa hạ và vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Diện tích rừng bị phá nằm trên lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai, xã Sơ Pai, huyện Kbang.
Cụ thể, vào cuối tháng 2/2023, lực lượng chức năng huyện Kbang đã phát hiện có nhiều cây gỗ bị cắt hạ, khai thác trái pháp luật tại tiểu khu 114 lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai quản lý. Thân cây các đối tượng khai thác đã cắt khúc, xẻ hộp vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Tại hiện trường chỉ còn lại cành, ngọn phần gốc cây đã bị đốt cháy hoàn toàn.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản về việc tiếp tục kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm hành vi khai thác rừng trái pháp luật xảy ra ở xã Sơ Pai. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, đơn vị chủ rừng tiếp tục tổ chức kiểm tra, xác minh, xác lập hồ sơ vụ việc, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.
Liên quan đến vụ phá rừng trên, ngày 7/3 lãnh đạo UBND huyện, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm và các ban ngành liên quan tiếp tục trở lại hiện trường, kiểm đếm toàn bộ số lượng cây gỗ bị cưa hạ trái phép.
Theo ghi nhận của PV báo Nhà báo và Công luận, tại hiện trường có tổng cộng 16 cây gỗ bị cưa hạ trái pháp luật. Những cây gỗ bị cắt hạ nằm rải rác ở nhiều tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai. Trong số những cây rừng bị đốn hạ, một số thân cây đã bị lâm tặc vận chuyển ra ngoài tiêu thụ, tại hiện trường chỉ còn lại gốc, cành, lá. Những cây rừng bị đốn hạ có đường kính khoảng 40 - 90cm.
Có mặt chỉ đạo kiểm tra tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Kbang nhận định: “Địa bàn huyện Kbang rất rộng và có nhiều đường nhánh, bên cạnh đó cuộc sống về phát triển nông nghiệp rất khó khăn, nhiều người không có việc làm nên họ vào rừng để kiếm sống. Nhiều năm trước cũng có tình trạng một số cán bộ của các công ty có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc, nhưng mấy năm gần đây không có, tình hình khai thác vận chuyển gỗ trái phép giảm hẳn so với những năm trước”.
“Tuy nhiên là vẫn có nhưng nhỏ lẻ. Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều thiếu sót như lực lượng của chúng ta chưa phát hiện kịp thời số lượng cây mà lâm tặc hoặc người dân cố tình phản ứng với công ty để đốn hạ và quay clip. Khi họ hạ mình có thể không phát hiện kịp thời nhưng phải đi tuần tra phát hiện, lập biên bản và kịp thời báo cáo”.
Phá rừng nghi để “trả thù” chủ rừng
Cũng theo ông Dũng, diện tích rừng tự nhiên của Kbang so với các huyện còn lại là tương đối lớn, tuy nhiên lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của công ty được tỉnh giao là rất ít so với diện tích này. Chính vì vậy công tác bảo vệ rừng không chỉ thuộc về công ty mà Bí thư, Chủ tịch của các xã, thị trấn cũng phải có trách nhiệm.
Ngoài việc cưa hạ cây rừng để lấy gỗ, lực lượng chức năng huyện Kbang nhận định việc phá rừng còn với mục đích khác. Bởi một số ít cây gỗ bị đốn hạ vẫn nằm nguyên tại hiện trường, một số thân cây bị thủng ruột, không có giá trị…
Theo ông Nguyễn Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai, lâm phần của công ty quản lý đan xen với các nương rẫy của người dân, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn cùng với việc lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng bị thiếu hụt.
“Thời gian gần đây người dân muốn phát lấn lại những nương rẫy mà công ty đã giữ (bắt đầu thành rừng non). Các đối tượng gây áp lực cho công ty giống như để cho họ làm nương rẫy đó thì không dẫn nhà báo vào quay lại những gốc cây bị khai thác. Tuy nhiên công ty không thể giải quyết những sự việc như vậy vì UBND tỉnh đã giao đất rừng cho công ty quản lý thì công ty phải giữ tới cùng.
Có những cây không có giá trị sử dụng nhưng các đối tượng vẫn cắt hạ để quy vào tội khai thác trái phép nhằm đủ khối lượng khởi tố, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng của công ty cũng như tạo thành một cái điểm nóng phá rừng”, ông Hợi cho hay.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai, trước đó đơn vị có bắt được một đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép. Sau khi bị xử lý, đối tượng này đã sinh lòng đố kỵ, ghen tức nên cố tình cắt hạ một cây gỗ tại tiểu khu 114. Hiện cây gỗ này vẫn còn nguyên tại hiện trường.
Liên quan đến vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn xã Sơ Pai, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: “UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện mở rộng điều tra, nếu đủ điều kiện thì phải khởi tố theo quy định. Liên quan đến công tác thu hồi đất trả về các công ty để trồng rừng có một số người dân phản ứng việc này, rồi có dấu hiệu hủy hoại cây rừng và phô lên là các công ty thiếu trách nhiệm trong công tác, việc này chúng tôi đã yêu cầu Công an điều tra, xác minh làm rõ, nếu có sự phá hoại rừng phải xử lý nghiêm".
"Qua sự vụ trên, huyện cũng đã chỉ đạo và quán triệt trách nhiệm của các công ty và lãnh đạo các xã phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc lấn chiếm đất rừng cần phải có biện pháp mềm mỏng để giáo dục tuyên truyền đến người dân”, ông Dũng thông tin thêm.
Bài và ảnh: Trần Hiền
Nhận xét
Đăng nhận xét