Dư luận đề nghị tỉnh Hải Dương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng huỷ hoại gần 60.000m2 đất rừng phòng hộ tại thị xã Kinh Môn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg.
Được biết, ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua các bộ, ngành đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh có diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn đã xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây bức xúc trong xã hội.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, triển khai các nội dung, trong đó:
Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo, triển khai các nội dung sau:
a) Quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng trái pháp luật.
b) Chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật.
c) Khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
d) Đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
đ) Xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải loạt bài viết phản ánh về những sai phạm ‘động trời’ tại Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương do Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương làm Chủ đầu tư. Hiện, vụ việc đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội, đặc biệt là việc Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hải Dương sẽ chỉ đạo xử lý sai phạm này thế nào.
Theo nội dung phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ tại khu vực nông thôn, như sau: Từ ngày 30/3/2019, công ty này đã quản lý, sử dụng 157.305m2 đất rừng phòng hộ nằm trên địa bàn 02 xã Lê Ninh và Quang Thành, thị xã Kinh Môn nằm trong quy hoạch bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã chỉ ra những dấu hiệu vi phạm về khai thác khoáng sản và hủy hoại 57.234m2 rừng phòng hộ của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương trong thi công bãi thải xỉ Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương và chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm. Trong đó có hành vi sử dụng 57.234m2 đất vượt ranh giới quy hoạch là hành vi lấn, chiếm đất, quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Và hành vi đào, bóc gỡ 1.952.976,82 m3 đất trong khi chưa được UBND tỉnh Hải Dương cho phép là hành vi khai thác khoảng sản không có giấy phép khai thác, và việc khai thác hàng triệu m3 khoáng sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng có thu lợi bất chính hay không cần được làm rõ.
Các vi phạm trên của doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định là hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017; Vi phạm điều 243 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi xác định rõ những hành vi vi phạm xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương như đã nêu trên, tháng 8/2022 Thanh tra tỉnh Hải Dương đã kiến nghị, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Công an tỉnh khởi tố vụ án để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng đến nay đã gần 9 tháng trôi qua kể từ khi Thanh tra tỉnh đề xuất thì Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã giao Công tan tỉnh vào cuộc điều tra và kết quả điều tra, xử lý thế nào thì vẫn đang là dấu hỏi lớn, bởi mọi thông tin về sự việc này vẫn chưa được công bố công khai. Chính việc này đã khiến dư luận hoài nghi về vụ việc huỷ hoại rừng này sẽ bị ‘chìm xuồng’?!
Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg, đồng thời tránh gây hoang mang trong xã hội. Chúng tôi kính đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hải Dương và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương cần giao Công an tỉnh khẩn trương tiến hành điều tra và xử lý nghiêm hành vi huỷ hoại rừng xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./
Nhận xét
Đăng nhận xét