Nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự chung tay của cả cộng đồng, trong những năm qua, nhiều diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà từng bị tàn phá một thời đã dần hồi sinh.
Nhiều năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn khu vực đầm Nha Phu được khôi phục. Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, trước năm 2000, diện tích rừng ngập mặn của xã tương đối lớn, tầm 180ha. Tuy nhiên, từ năm 2000, khi phong trào nuôi tôm phát triển, người dân tự ý chặt phá, khai hoang, đào ao để nuôi tôm nên diện tích rừng ngập mặn mất rất nhiều. Khoảng năm 2005, có tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản đến địa phương đặt vấn đề trồng lại diện tích rừng ngập mặn và họ đã trồng khoảng 5ha. Sau đó, địa phương phối hợp trồng thêm 10ha nữa. Một số hộ dân sau khi thấy lợi ích từ rừng ngập mặn cũng đã tự trồng ở ao, đìa... Đến nay, diện tích rừng ngập mặn của xã Ninh Ích gần 40ha, nằm rải rác dọc theo các tuyến bờ biển, ao, đìa chứ không tập trung như trước đây
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Quản lý vịnh Nha Trang, trước năm 1990, ở vịnh Nha Trang có 500ha rừng ngập mặn, tới năm 1999 chỉ còn 200ha, và hiện nay chỉ còn 6,4ha tập trung ở khu vực Đầm Bấy (phường Vĩnh Nguyên). Trong đó, 2,3ha là rừng tự nhiên, còn 4,1ha là do Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với các cơ quan, đơn vị và người dân địa phương tổ chức trồng. Trong năm 2022, Đoàn Thanh niên của đơn vị đã phối hợp với Thành đoàn Nha Trang trồng khoảng 2ha ở khu vực cửa sông Quán Trường (xã Phước Đồng). Thông qua đó để tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và cùng chung tay phục hồi rừng ngập mặn…
Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, rừng ngập mặn vùng ven biển Khánh Hòa có vai trò rất quan trọng, không chỉ đối với hệ sinh thái và môi trường, như: Điều hòa khí hậu, hấp thụ CO2, ngăn gió, sóng, chống xói lở đường bờ mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, như cung cấp nguồn lợi thủy sản, là môi trường sống của nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế cao và phát triển dịch vụ du lịch. Vì vậy, cần có những giải pháp tích cực và lâu dài, trong đó bảo vệ diện tích hiện tại, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu hiện nay. Chỉ như vậy, rừng ngập mặn vùng ven biển Khánh Hòa mới được xem như “lá phổi xanh” góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đất ngập nước và góp phần nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ven biển.
Nhận xét
Đăng nhận xét