Từ lời tố cáo của một lái xe tải chuyển phát nhanh, nhóm PV Dân Việt đã nhiều tháng tìm hiểu tại Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) và ghi lại tư liệu xác thực về việc vận chuyển hàng cấm là gỗ quý hiếm bằng xe chuyển phát nhanh từ vùng cao về Hà Nội.
LTS: Những "ông trùm" buôn gỗ không phải lo đến việc tự thuê xe chuyển hàng nữa mà phó thác cho dịch vụ chuyển phát nhanh hoạt động công khai.
Khách mua hàng dù ở bất kỳ nơi đâu chỉ cần "nổ" địa chỉ và số điện thoại, vài ngày sau sẽ có người của hãng chuyển phát nhanh liên hệ giao hàng, thậm chí là đưa đến tận nhà.
Loạt bài viết của Dân Việt sẽ cho thấy những lỗ hổng quản lý trong hoạt động chuyển phát nhanh cần sớm được bịt lại.
Bài 1: Giáp mặt "lâm tặc" trong rừng già
Nhóm PV Dân Việt tận mắt chứng kiến gỗ trong rừng tự nhiên ở Sìn Hồ (Lai Châu) vẫn bị khai thác, đưa ra khỏi rừng trái phép. Điều khác biệt so với trước đây, các trùm buôn gỗ đã tìm được một phương thức mới để gỗ quý"lăn" về xuôi thuận tiện hơn.
Lời tố cáo của cựu lái xe bưu chính, chuyển phát nhanh
Cuối 2022, một lái xe tải chở hàng chuyển phát tuyến Lai Châu – Hà Nội tìm đến chúng tôi. Người này làm cho một hãng chuyển phát nhanh có tiếng, hiện đã nghỉ việc vì không thể tiếp tay cho hoạt động vận chuyển hàng cấm là những gốc nghiến, thớt nghiến hay các loại gỗ quý khác.
Video: Từ lời tố cáo của lái xe lần ra đường dây phá rừng trái phép
"Những u, cục, gốc cây nghiến, trai, gù hương, kháo đá, tùng la hán… được đóng cũi đem đến địa điểm của một số hãng vận chuyển bưu chính, hàng hóa chuyển phát nhanh tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu gửi. Có những đơn hàng nặng hàng trăm kg, phải hai đến ba người cùng khiêng mới đưa lên xe được, gỗ to, nặng phải dùng máy cẩu cẩu lên", người lái xe cung cấp thông tin cho chúng tôi.
Theo lời tài xế, gỗ cấm buôn bán sẽ được đẩy sâu vào bên trong thùng xe, các mặt hàng thường khác ngụy trang bên ngoài.
Người này cũng tiết lộ việc các chủ hàng sử dụng "bùa chú" là những tờ giấy photo trúng đấu giá gỗ từ vài năm trước để "tẩy trắng" gỗ lậu về xuôi. Hàng cấm là gỗ trong rừng tự nhiên cứ thế nằm im trong thùng xe tải gắn mác xe bưu chính, xe chuyển phát nhanh theo cung đường Lai Châu – Hà Nội, rồi từ đó có thể túa đi khắp nơi trong cả nước.
Từ Hà Nội, nhóm PV Dân Việt đã ngược cung đường chuyển hàng của người tài xế kể trên, để tận mắt chứng kiến các "lâm tặc" đi vào rừng cắt thớt nghiến đem bán cho chủ hàng. Rồi thớt nghiến đó không đi bằng xe khách hay xe cá nhân đi, mà họ "tiện lợi" gửi bằng được bưu chính, chuyển phát nhanh. Kín đáo, nhẹ nhàng, giá cả cũng phải chăng.
Chúng tôi cũng đối thoại với các nhân viên một số hãng vận chuyển bưu chính, chuyển phát trong vai khách hàng, ngay khi những khúc gỗ còn ở trong trụ sở bưu cục. Những chuyến đi của nhóm PV Dân Việt cho thấy có hiện tượng chở thớt nghiến, gỗ tự nhiên qua xe dịch vụ chuyển phát nhanh.
Làm căng, rừng già vẫn bị phá
Trên đường đến các xã Phìn Hồ, Ma Quai, Tủa Sín Chải, … của huyện Sìn Hồ không thiếu những tấm bảng tuyên truyền cấm phá rừng. Nhưng trên các ngọn núi, sâu trong rừng xanh, tiếng cưa máy vẫn vọng ra. Chưa mất nhiều công sức, chúng tôi đã chứng kiến những thanh niên khiêng gỗ từ phía rừng ra đường lớn, rồi chở về nhà hoặc đem đến cho các chủ thu mua ở trung tâm xã Nậm Tăm, ngã ba Séo Lèng hay xuống hẳn thị trấn Sìn Hồ.
Để vào được rừng già, nhóm PV vào vai những người đang làm kênh Youtube về khám phá và thực hiện các món ăn độc, lạ miền núi. Từ xã Ma Quai, chúng tôi đi vào rừng, hướng đến phía tiếng cưa máy vọng lại. Mất nhiều giờ leo núi đá, vượt suối, chúng tôi đến gần nơi những người đang miệt mài cưa gỗ.
Chưa thấy mặt người, dọc lối mòn đã xuất hiện nhiều cây bị cưa ngọt lịm, gốc vẫn còn tươi hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhiều súc gỗ được cưa thành cột, thành tấm thương phẩm, nhưng vẫn bỏ lại ngổn ngang trong rừng.
Đây là thủ đoạn tinh vi, hiện trường một vụ mất rừng cũ, nếu sau này vào lấy gỗ mà bị phát hiện, họ có thể viện cớ là tôi đi "mót gỗ mục", "về làm nhà", chứ không phá rừng.
Thêm một đoạn, chúng tôi gặp hai người dân địa phương đang vận hành chiếc cưa máy chạy bằng xăng để "bổ" đôi thân cây nghiến. Mỗi lần chiếc máy cưa khởi động, tiếng ầm ầm náo động cả một khu rừng, đến khi từng khúc gỗ nghiến được "phanh thây" xong khu rừng mới tĩnh lặng trở lại. Trên tay ôm mớ rau rừng, nhóm PV bắt chuyện với hai người vừa miệt mài cưa gỗ.
"Anh xẻ gỗ về làm thớt, đây chỉ là cành của cây nghiến thôi, gốc trước đây cưa đổ đường kính hơn một mét, giờ kiểm lâm làm căng lắm, thỉnh thoảng mình đi lấy gỗ thì được, lấy đều đều là họ phát hiện bắt giữ ngay. Anh từng bị bắt mấy lần rồi, bắt xong lại thả" – thanh niên tên T thật thà kể.
Nói xong anh T dùng hết sức nhấc bổng khúc gỗ nghiến đường kính khoảng 40cm, dài 50cm lên rồi ném xuống vách đá lăn xồng xộc xuống khe núi, tay cầm dây rừng đi xuống buộc lại, gùi lên lưng rồi bước phăm phăm gùi gỗ về bản.
Người cưa gỗ vừa cầm con dao quắm lia đi lia lại trước mặt chúng tôi, vừa nói về cân nặng của khúc gỗ nghiến: "Chắc không đến năm mươi cân. Nếu mình không bổ ra thì 100 nghìn đồng/cái, nếu bổ ra bào sạch là 150 nghìn đồng một cái, chia làm 6 thớt bán được 600 nghìn đồng".
Anh C - người đi cùng T cũng tiếp chuyện, dặn chúng tôi "đi cẩn thận kẻo lạc đường" trong lúc đang lúi húi tháo chiếc lam và dây xích sắc nhọn từ chiếc cưa máy. "Chuẩn bị xuống dưới kia học lớp 6 đã đi đeo thớt nghiến, còn đeo nổi thớt đường kính 60cm không phải đơn giản" - C khoe với phóng viên thành tích "phá rừng" của mình.
Năm nay C hơn 30 tuổi, nghĩa là "thâm niên" vào rừng cõng thớt nghiến cũng đã được gần 20 năm.
Men theo vách đá cách chỗ hai người phá rừng khoảng vài chục mét, nhiều cây gỗ lớn đã bị cưa đổ, xẻ thành khúc vuông vắn dạng cột nhà nhưng chưa vận chuyển ra khỏi rừng, có những gốc cây sau khi cưa đổ chỉ lấy những u cục, bừu, nơi cây bị dị tật đem bán, lá cây và mùn cưa còn tươi mới.
Sau khi ghi lại những hình ảnh cây rừng bị tàn phá, chúng tôi nhanh chóng di chuyển ra khỏi rừng, theo kịp hai người đàn ông địu hai khúc gỗ nghiến. Cả hai đều sinh sống ở thôn Ma Quai Sàng (xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ), nơi nhiều ngôi nhà được dựng từ gỗ nghiến.
C tiếp câu chuyện, kể lại việc có chiếc cưa máy đầu tiên trong bản từ mười mấy năm trước. "Một con trâu bán đi còn không đủ mua máy này, tầm 12 triệu đồng, hồi đó có phải chỗ nào cũng có cưa máy bán như bây giờ đâu", C nói.
Với cưa máy, C cùng các "đồng nghiệp" từng cưa những cây có đường kính 1,2 – 1,4m. "Có cây cao anh lấy dây buộc ở bụng leo lên, cưa thành miếng to để lách người vào cưa tiếp, một mình hạ xuống", người này tiếp lời.
Theo tiết lộ, trước đây người đàn ông này chặt cây to, xẻ thớt đường kính 60cm, nhưng thời gian này gỗ cũng hiếm, chỉ lấy những khúc gỗ nghiến làm thớt có đường kính 25 – 40cm, đồng thời "cũng sợ kiểm lâm và công an bởi họ làm căng lắm".
"Có đợt, Kiểm lâm còn thu của bọn anh 3 xe gỗ nghiến, sau thanh niên bản đánh trả bằng cuốc, xẻng, gậy gốc họ mới không thu. Sau đó, họ gọi tôi hai lần đi lên Sìn Hồ để điều tra", C kể lại.
Không chỉ ở xã Ma Quai, dọc tuyến đường lên các xã vùng cao khác của huyện Sìn Hồ, như ở Tủa Sín Chải chẳng hạn, chúng tôi ghi nhận những đống gỗ mới được xẻ, vận chuyển từ rừng về xếp chồng lên nhau. Thi thoảng lại gặp đoàn người dùng xe máy chở gỗ di chuyển trên đường.
Gỗ từ rừng sau đó được chuyển về khu vực trung tâm, vào tay các đầu nậu thu gom. Sau nhiều ngày ở thị trấn Sìn Hồ, nhóm phóng viên tiếp cận được hai "ông trùm" mua bán gỗ với những kho gỗ chất đầy gỗ quý tự nhiên. Mánh khóe vận chuyển hàng cấm qua xe bưu chính, chuyển phát nhanh được chính các "ông trùm" tiết lộ.
Nhận xét
Đăng nhận xét