Tháng 1/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh do nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm, tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành gỗ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2023 đạt 806 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 12/2022 và giảm 48,6% so với tháng 01/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 491,7 triệu USD, giảm 43,8% so với tháng 12/2022 và giảm 58,1% so với tháng 01/2022.
Đáng chú ý, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường đều giảm trong tháng 1/2023. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 367,3 triệu USD, giảm 60,4% so với tháng 01/2022; Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 132,9 triệu USD, giảm 1%; Nhật Bản đạt 129,1 triệu USD, giảm 12,9%...
Cục Xuất nhập khẩu dự kiến lĩnh vực nhà ở tại Mỹ có thể sẽ vẫn yếu trong năm 2023, khiến nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm, là yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ sẽ chậm lại trong năm 2023.
Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Đối với thị trường EU, mới đây EU đã đạt được một thỏa thuận về dự luật mới, cấm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu những sản phẩm nông nghiệp liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu, trong đó có mặt hàng gỗ.
Với tình hình hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan, khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.
Mặc dù, những mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ EU nhập khẩu chính từ các thị trường ngoài khối như đồ nội thất phòng khách và phòng ăn… Đây đều là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, lượng nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn từ Việt Nam chỉ chiếm 7,4% tổng lượng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn EU nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối; ghế khung gỗ chiếm 13% tổng lượng ghế khung gỗ; đồ nội thất phòng ngủ chiếm 3,2%.
Mới đây, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua các Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, đặc biệt là hệ thống các thương vụ, tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành gỗ nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, tận dụng lợi thế của các FTA đã ký kết để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường.
Đồng thời, cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.
Nhận xét
Đăng nhận xét