Rừng đặc dụng Đăk Uy (Kon Tum) có 61 cây gỗ trắc chết đứng, bị ngã đổ và 100 gốc trắc đã chết từ lâu nhưng chưa được xử lý do vướng Luật Lâm nghiệp.
Ngày 25.4, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (H.Đăk Hà, Kon Tum) cho biết trên lâm phần có 61 cây gỗ trắc chết đứng, bị ngã đổ và 100 gốc trắc cũ đã chết từ lâu nhưng chưa được xử lý do vướng Luật Lâm nghiệp.
Để bảo vệ số cây trắc trên, chủ rừng đã phải cắt cử người trực 24/24 canh giữ khiến lực lượng bị phân tán, không đủ người bảo vệ.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2021, nhằm tránh thất thoát, hư hỏng gỗ quý đã bị ngã đổ, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (đơn vị chủ rừng) đã cắt khúc hơn 2,2 m3 gỗ trắc để đưa vào kho bảo quản.
Cùng với đó, đơn vị này đã có văn bản xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây trắc bị chết này đưa về kho quản lý, bảo quản, tránh tình trạng mất mát, thất thoát tài sản của nhà nước, đồng thời giảm bớt kinh phí phân công cán bộ canh giữ hàng năm...
Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính xin ý kiến hướng dẫn trình tự thủ tục khai thác lâm sản nguy cấp, quý, hiếm và xử lý 2,2 m3 gỗ trắc nói trên.
Sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản trả lời việc đơn vị chủ rừng tự ý cưa khúc đưa vào kho bảo quản 2,2 m3 gỗ trắc bị ngã đổ trong rừng đặc dụng là không thực hiện đúng quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Cụ thể, Điều 52 của Luật Lâm nghiệp quy định, tổ chức và cá nhân không được khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng. Điều này đồng nghĩa chủ rừng không thể di chuyển, hoặc thu gom số gỗ trên.
Hiện, rừng đặc dụng Đăk Uy có 40 cán bộ, công nhân viên tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Không thể cắt dọn, thu gom nên chủ rừng phải cắt cử người bảo vệ cây gỗ trắc ngã đổ, chết khô khiến lực lượng bị phân tán.
Rừng đặc dụng Đăk Uy có diện tích 538 ha. Đây là khu rừng có nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao, thuộc loại quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và hạn chế sử dụng. Nhiều loài thực vật có tên trong sách đỏ VN như: trắc, cẩm lai, giáng hương...; về động vật có cu li nhỏ, gà lôi, gấu chó...
Đặc biệt, nơi đây được ngành lâm nghiệp đánh giá là khu rừng có số lượng cá thể trắc lớn nhất và quý hiếm nhất VN với hơn 1.000 cây trắc tự nhiên hàng chục năm tuổi và 2.500 cây trắc được trồng mới.
Thuộc nhóm IIA, là loài cây gỗ quý hiếm, chất lượng gỗ tốt, nhiều người ưa chuộng nên giá trị của cây trắc trên thị trường rất cao.
Nhận xét
Đăng nhận xét