Mặc dù năm 2022, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu khi đạt 17,09 tỷ USD (tăng 7,1% so với năm 2021), song từ cuối quý 2-2022, các đơn hàng bị sụt giảm mạnh.
Năm 2023, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản liệu có đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra? Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ như thế nào?... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Quốc Trị về những vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, tình hình lạm phát cao ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU và những khó khăn khác về rào cản kỹ thuật từ những tháng cuối năm 2022 khiến các đơn hàng bị sụt giảm mạnh. Năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ khó khăn, thách thức này?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGUYỄN KIỂM |
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, năm 2023, Bộ NNPTNT sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp như: Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới, tiềm năng, tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với với các thị trường như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ; bán hàng online... Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm soát bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại; có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa hợp lý; đẩy mạnh triển khai thực thi các thỏa thuận và hiệp định song phương đã ký kết. Xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu tập trung với lợi thế hơn 3,5 triệu héc-ta gỗ rừng trồng sản xuất. Tập trung phát triển rừng trồng gỗ lớn, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
PV: Vậy Thứ trưởng đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản là 17 tỷ USD năm 2023 mà ngành lâm nghiệp đề ra?
Sơ chế gỗ ở Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: NGHINH XUÂN |
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xung đột quân sự, căng thẳng địa chính trị trên thế giới và sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là những thị trường chính về xuất khẩu đồ gỗ của nước ta như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo dự báo năm 2023, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro. Tuy nhiên, thế giới sẽ dần thích ứng được với những thay đổi và lấy lại tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia sẽ có nhiều tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ, nhất là thị trường Hoa Kỳ có thị phần chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của nước ta.
Khi nhìn vào giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản, ta thấy các tháng cuối năm 2022 bình quân đạt khoảng 1,2 tỷ USD/tháng. Theo dự báo, xuất khẩu lâm sản sẽ duy trì tình trạng này đến hết quý 2-2023. Chúng ta kỳ vọng thị trường sẽ khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm và ngành sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 17 tỷ USD.
PV: Thưa Thứ trưởng, đến nay chúng ta đã bán được tín chỉ carbon rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ. Vậy sau khu vực Bắc Trung Bộ, chúng ta có thể bán tín chỉ carbon rừng ở khu vực nào?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Ngày 28-12-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đây là khung pháp lý để thực thi Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký vào ngày 22-10-2020 giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Bộ đang chỉ đạo hoàn thành các điều kiện cần thiết, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nghị định trên để tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu này.
Ngoài vùng Bắc Trung Bộ thì các vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm năng lớn giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon tạo ra từ rừng. Bộ đang xây dựng Đề án đàm phán Thỏa thuận mua bán giảm phát thải khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trình Thủ tướng Chính phủ để tiến hành đàm phán, triển khai thỏa thuận với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent).
PV: Vậy trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ triển khai giải pháp gì để thực hiện xây dựng thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Để tham gia thị trường carbon rừng trong nước và thế giới, Bộ NNPTNT tập trung chỉ đạo một số công việc sau: Tổ chức triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và thí điểm cho khu vực có tiềm năng khác. Đồng thời tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển quyền carbon, cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích nguồn thu giảm phát thải từ rừng và các hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, Bộ NNPTNT đã đề xuất Chính phủ quy định đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Đặc biệt, chúng ta sẽ phải tiếp tục xác định được thực trạng, tiềm năng giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon tạo ra từ rừng trong cả nước để từ đó xác định tiềm năng tín chỉ carbon có thể thương mại.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)
Nhận xét
Đăng nhận xét