(NLĐO) - Trong số các dự án vi phạm liên quan đến rừng ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), có dự án chậm tiến độ hơn chục năm, mục đích bảo vệ rừng nhưng làm mất nhiều ha rừng và chưa bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng.
Cuối tháng 3-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở ngành và địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Một góc trung tâm huyện Đạ Tẻh. Ảnh: D.Thành.
Theo báo cáo của UBND huyện Đạ Tẻ, trên địa bàn có 5 dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc thực hiện không đúng các hạng mục trong Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) gồm: Công ty TNHH M.K, Công ty TNHH Lâm Thành, Công ty TNHH TM DV Kim Thanh Phong, Công ty TNHH TM-SX Tre Xanh, một phần dự án của Công ty TNHH SX-TM-XNK Hoàng Thịnh.
Cụ thể, Công ty TNHH M.K thực hiện dự án "Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế và kết hợp chăn nuôi bò" với quy mô 162 ha tại xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh. Năm 2015, Công ty đã khai thác hơn 61 ha rừng keo nhưng không trồng và chăm sóc lại, để bị lấn chiếm hơn 48 ha.
Công ty chưa thực hiện việc đầu tư các hạng mục công trình theo GCNĐT khi chưa trồng rừng hết diện tích được phê duyệt, chưa trồng cỏ và chăn nuôi bò, chưa chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình.
UBND huyện Đạ Tẻh thống nhất với đề xuất Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cho doanh nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại dự án.
Doanh nghiệp thứ 2 mà UBND huyện Đạ Tẻh báo cáo vi phạm là Công ty TNHH Lâm Thành, chủ đầu tư dự án "Bảo vệ rừng và xây dựng khu du lịch sinh thái thác Đakala" trên diện tích 160 ha tại xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh. Dự án có tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2008 - 2010 và sau đó gia hạn đến tháng 12/2016.
Trong tổng diện tích 154 ha rừng được thuê khoanh nuôi, quản lý bảo vệ thuộc dự án thì có hơn 55,47 ha bị mất. Tại dự án du lịch sinh thái này cũng chỉ mới có vài căn nhà tạm bợ.
Doanh nghiệp thứ 3 bị "điểm danh" là Công ty TNHH TM DV Kim Thanh Phong đang thực hiện dự án "Trồng cây tầm vông, mạnh tông" trên diện tích 197 ha tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh. Do không chăm sóc nên một số diện tích tầm vông đã chết và cây dại mọc chen với cây đã trồng. Giai đoạn 2021-2022, công ty đã để xảy ra 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật.
Tiếp theo là dự án "Trồng cây tầm vông, mạnh tông" của Công ty TNHH TM-SX Tre Xanh có quy mô 100 ha tại xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh. Trong năm 2022, công ty đã để xảy ra 1 vụ khai thác rừng trái pháp luật.
UBND huyện Đạ Tẻh đề xuất thu hồi toàn bộ 3 dự án của Công ty TNHH Lâm Thành, Công ty TNHH TM DV Kim Thanh Phong và Công ty TNHH TM-SX Tre Xanh vì doanh nghiệp không thực hiện đúng theo GCNĐT.
Riêng Công ty TNHH TM DV Kim Thanh Phong và Công ty TNHH TM-SX Tre Xanh còn chưa nộp tiền thuê rừng từ 2011-2020, để xảy ra vi phạm khai thác rừng trái phép.
Cuối cùng là một phần dự án "Trồng cao su kết hợp quản lý bảo vệ rừng" của Công ty TNHH SX-TM-XNK Hoàng Thịnh với quy mô dự án là 549 ha tại xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. UBND huyện đề xuất thu hồi hơn 222 ha thuộc một phần diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ và một phần diện tích đã khai thác tận dụng xong lâm sản nhưng chưa xử lý thực bì, tái sinh thành rừng.
Lý do thu hồi, UBND huyện Đạ Tẻh nhận định doanh nghiệp được cấp GCNĐT từ năm 2009 nhưng đến nay thực hiện chậm hoặc không thực hiện một số hạng mục dự án.
Doanh nghiệp cũng không thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, để rừng bi phá, lấn chiếm trái phép trên diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ nhưng không có giải pháp ngăn chặn. Đặc biệt, chủ đầu tư này còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính về việc bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với số tiền gần 70 tỉ đồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét