TPO - Thị trường khu vực châu Âu, dù được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía Liên minh châu Âu (EU) đặt ra vẫn là những vấn đề không dễ vượt qua.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất - HawaExpo 2023 tại Trung tâm triển lãm TPHCM vào ngày 22/2, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, năm 2022 với nhiều biến động nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản vẫn đạt hơn 17 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Mức tăng trưởng 7,1% trong năm 2022 là con số thấp nhất trong 10 năm qua nhưng đã thể hiện rằng, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến quan trọng của các bạn hàng quốc tế. Năm 2023, ngành gỗ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7 - 9%, xuất khẩu 18 tỷ USD.
“HawaExpo 2023 sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả, trở thành cú hích trong việc xúc tiến thương mại ngành chế biến gỗ trong năm 2023, lấy lại đà tăng trưởng và thực hiện mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD lâm sản vào năm 2025”, ông Trị nói.
Nhận định về thị trường, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - cho biết, triển vọng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ trong năm 2023 tương đối thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều bất ổn xuất phát từ hạn chế nguồn cung, áp lực lạm phát làm giảm sức mua, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistics.
Các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra vẫn là những vấn đề không dễ vượt qua.
Triển vọng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ trong năm 2023 tương đối thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều bất ổn. |
Ngoài ra, việc EU áp dụng dự luật liên quan đến nạn phá rừng sẽ là thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu gỗ vào thị trường này trong thời gian tới. Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
“Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, chương trình thương hiệu quốc gia, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm”, ông Phú nói.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành gỗ nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, tận dụng lợi thế của các FTA đã ký kết để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường. Đồng thời cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.
HawaExpo 2023 với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, 1.600 gian hàng trên tổng diện tích trưng bày là 28.000 m2. Diễn ra từ ngày 22 - 25/2, HawaExpo 2023 dự kiến sẽ thu hút 10.000 khách tham quan trong nước và quốc tế. Ngoài hoạt động triển lãm, kết nối giao thương, HawaExpo 2023 còn là nơi cung cấp các thông tin thiết thực cho doanh nghiệp ngành nội thất với 7 hội thảo chuyên ngành.
Sau lễ bế mạc, từ ngày 25 - 28/2, Ban tổ chức sẽ triển khai các tour tham quan nhà máy giúp nhà mua hàng quốc tế có thêm cơ hội tiếp cận trực tiếp, đánh giá quy mô của các nhà máy sản xuất lớn tại TPHCM và các tỉnh lân cận.
Nhận xét
Đăng nhận xét