Năm 2022, Quảng Nam đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; đang hoàn tất thủ tục lập bản đồ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh; lực lượng kiểm lâm nỗ lực giữ bình yên cho nhiều cánh rừng tự nhiên… Ở bình diện quốc gia, giá trị xuất khẩu lâm sản lần đầu tiên đạt con số kỷ lục gần 17 tỷ USD, dẫn đầu ngành nông nghiệp.
Mảng sáng của lâm nghiệp Quảng Nam
Thực hiện Nghị quyết số 38 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh, năm 2022, ngành lâm nghiệp Quảng Nam rà soát, bổ sung nhiều diện tích vào chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để đạt kinh phí 500 nghìn đồng/ha/năm. Theo đó, diện tích được chi trả DVMTR trong năm hơn 28.900ha.
Để thực hiện nghị quyết này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng, tiếp thu ý kiến của các ngành và địa phương về Đề án quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ (đơn vị tư vấn của Bộ NN&PTNT) hoàn thiện dự thảo Bản đồ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh lập biên bản xử lý 311 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 121 vụ so cùng kỳ năm 2021); tạm giữ hơn 260m3 gỗ các loại, 40 chiếc ô tô, 17 chiếc mô tô… Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng xử lý hành chính và hình sự 216 vụ vi phạm lâm nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, toàn ngành phát hiện và xử lý 3.624 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị tác động 1.081ha, giảm 1% so với năm 2021. Về cháy rừng, đã xảy ra 85 vụ, giảm 111 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021. Diện tích thiệt hại do cháy là 41,35ha, giảm 1.470ha, tương ứng giảm 97,3% so với năm 2021.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổng hợp trình cấp thẩm quyền cập nhật các công trình, dự án có ảnh hưởng đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp vào dự thảo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đang hoàn chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ vùng Đông của tỉnh để tích hợp vào Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Còn nhớ, năm 2021, tình trạng cháy rừng vào mùa khô, nhất là khu vực rừng phòng hộ đất cát ven biển luôn đặt trong tình trạng báo động ở nhiều địa phương. Thế nên, năm 2022, lực lượng kiểm lâm đã chuyển trạng thái, phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả hơn. Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục các xã trong vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng chia theo mức độ xung yếu.
Thêm nữa là hoàn thiện các nội dung về PCCCR trong dự thảo Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm giai đoạn 2021 – 2030. Từ sự chủ động này, năm qua, toàn tỉnh chỉ xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng với diện tích 0,75ha (giảm 47 vụ với hơn 628ha rừng bị cháy so với năm 2021).
Một trong những mảng sáng của ngành kiểm lâm là tiếp tục kiện toàn, đưa vào vận hành bộ máy quản lý, bảo vệ rừng tinh gọn và hiệu quả hơn; giám sát tài nguyên rừng từ trên cao bằng các phần mềm công nghệ hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá, các cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là thực hiện chi trả DVMTR đã giúp cho Quảng Nam giảm gánh nặng cho ngân sách đầu tư vào công tác bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Hiệu ứng rõ nhất là số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm theo từng năm; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân tham gia bảo vệ rừng thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, các UBND xã, thị trấn và được chi trả tiền DVMTR hàng năm, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế rừng.
Kỷ lục xuất khẩu lâm sản
Bức tranh sinh động của ngành nông nghiệp năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng giá trị xuất khẩu lâm sản lập kỷ lục với gần 17 tỷ USD, dù chịu sự tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, dịch COVID-19 và các vụ kiện thương mại.
Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với 2021. Như vậy, giá trị xuất siêu lâm sản ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so 2021.
Tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức cuối năm 2022, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, lĩnh vực lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành nông nghiệp về xuất siêu với giá trị cao.
Giá trị lâm sản trong năm 2022 tăng trưởng chủ yếu là nhờ giá viên nén gỗ, giá dăm gỗ... đều tăng. Mặt khác, giá nhiên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (3 nước tiêu thụ trên 85% lượng dăm của thế giới) không mua dăm gỗ từ các thị trường xuất khẩu dăm gỗ lớn mà chọn Việt Nam.
Về nguồn thu DVMTR, năm 2022 cả nước đã thu được hơn 3.686 tỷ đồng, đạt 122,9% kế hoạch. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị, rừng Việt Nam có thể tín chỉ hóa để bán 30 triệu tấn CO2. Không chỉ trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành lâm nghiệp đang có tương lai phát triển thương mại từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.
Điển hình, nhiều vùng có khả năng hấp thụ CO2 lớn là Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ thông qua ký kết của Việt Nam với Ngân hàng Thế giới đã cam kết chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018 – 2023 với giá 5 USD/tấn.
Phát triển, quản lý rừng bền vững là mục tiêu lâu dài mà ngành lâm nghiệp đang đeo đuổi. Con số của Bộ NN&PTNT đưa ra là đến nay có 199 chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích hơn 3,1 triệu héc ta, còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng và 122 chủ rừng chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích khoảng 4,1 triệu héc ta.
Thêm nữa là hiện nay 6 vườn quốc gia thuộc Bộ NN&PTNT quản lý có tổng diện tích 299.467ha được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Từ năm 2021 đến nay đã thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) với diện tích 67.000ha rừng.
Nhìn lại năm 2022, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, cả 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm chỉ tiêu đó là trồng rừng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất; thu tiền DVMTR; tỷ lệ che phủ rừng và giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Tuy nhiên, ông Bùi Chính Nghĩa cũng nhìn nhận ngành lâm nghiệp vẫn còn một số mặt hạn chế như còn xảy ra một số điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp không hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn thấp, thậm chí có xu hướng giảm. Thực tế mức khoán bảo vệ rừng trung bình khoảng 300 – 400 nghìn đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải trên 1 triệu đồng/ha.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, toàn ngành phát hiện và xử lý 3.624 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị tác động 1.081ha, giảm 1% so với năm 2021. Về cháy rừng, đã xảy ra 85 vụ, giảm 111 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021. Diện tích thiệt hại do cháy là 41,35ha, giảm 1.470ha, tương ứng giảm 97,3% so với năm 2021.
Nhận xét
Đăng nhận xét