Do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam chững lại, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng âm. Để đưa ngành gỗ Việt Nam phát triển trở lại trong thời gian tới, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường và tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong những năm gần đây, đưa ngành gỗ Việt vươn lên vị trí thứ 4 trong khối các nước Đông Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan) trong cuộc đua chiếm thị phần xuất khẩu đồ gỗ. Theo đó, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước, trong đó có EU, Mỹ, Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng sản phẩm gỗ xuất khẩu của cả nước. Được biết, xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng chính bằng hai mảng là nguyên liệu trung gian và chế biến sâu (đồ nội thất).
Ngành gỗ Việt Nam gặp nhiều khó khăn
Năm 2022, ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế thế giới có những biến động khó lường, thị trường xuất khẩu suy giảm khiến nhiều hoạt động bị ảnh hưởng. Đặc biệt là ngành sản xuất chế biến gỗ cũng gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm, hàng tồn kho tăng.
Từ tháng 4/2022 xuất khẩu gỗ đã chững lại, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng âm. Cụ thể, trong tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,7 tỷ USD. Trong đó, sản phẩm gỗ chế biến sâu có giá trị cao giảm đến 19,2%, đạt 846 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu của năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 9,7 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ. Nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 6,9 tỷ USD nhưng vẫn giảm tới 7,5% so với cùng kỳ.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương - cho biết bước sang 2023, dự báo triển vọng đối với ngành gỗ còn nhiều khó khăn và bất ổn, xuất phát từ hạn chế về nguồn cung, áp lực lạm phát làm giảm sức mua, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistic,... Các thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, EU tiếp giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin người tiêu dùng thấp.
Đặc biệt, các thị trường lớn ngày càng quan tâm đến yêu cầu về bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hợp chuẩn, đặc biệt là yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ, chống gian lận thương mại được đặt ra cũng gây nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, việc EU áp dụng luật liên quan đến nạn phá rừng cũng là thách thức không nhỏ đến việc sản xuất gỗ vào thị trường này.
Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng dẫn đến xu hướng trong đơn hàng chuẩn tạo áp lực đến giá nguyên liệu giảm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc mở cửa, những chuỗi cung ứng nội địa vẫn chưa hoàn toàn bình phục, ẩn chứa nhiều rủi ro. Tất cả các vấn đề trên đã cản trở và thách thức lớn đến thị trường gỗ Việt Nam năm 2023.
Bên cạnh những yếu tố liên quan đến thị trường, yếu tố bền vững, xanh đang là xu hướng mới trên thế giới và là yêu cầu bắt buộc đối với xu hướng phát triển của thành phố trong bối cảnh mới.
Để đưa ngành gỗ Việt Nam phát triển trở lại trong thời gian tới, ngành gỗ cần quan tâm hơn trong quá trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước và thế giới.
Đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết nhiều năm qua hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường, dẫn đến việc bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm.
“Lạm phát dẫu có lan rộng, nhưng nhu cầu tiêu thụ nội thất của thị trường quốc tế vẫn tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ, nên khi kinh tế các nước thị trường suy giảm kéo theo xuất khẩu gỗ nước ta giảm. Tôi thấy cơ hội phát triển của ngành vẫn lớn, nếu công tác tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường được đẩy mạnh trong thời gian tới ngành gỗ Việt Nam sẽ có đà tăng trưởng tốt trở lại”, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch BIFA - người sáng lập Lâm Việt Furniture nói.
HawaExpo 2023: Cú huých trong xúc tiến thương mại ngành gỗ
Để giải quyết những khó khăn mà ngành gỗ đang gặp phải, tạo đà phát triển trở lại cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất - HawaExpo 2023 được tổ chức. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng để các doanh nghiệp ngành gỗ có cơ hội giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến gỗ, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là thương hiệu gỗ Việt ra thế giới.
Việc tăng cường cơ hội kết nối cuộc gặp gỡ và hợp tác với các khách hàng, đối tác trong xúc tiến thương mại quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần khích lệ ngành công nghiệp chế biến gỗ và thương mại lâm sản của Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất - HawaExpo 2023 - quy tụ hơn 200 doanh nghiệp trong hệ sinh thái ngành công nghiệp nội thất tham gia. Đồng thời, thu hút nhiều khách hàng quốc tế, giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.
Đáng chú ý, thông qua hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước, Hội chợ còn thu hút được các đoàn doanh nghiệp quốc tế, tổ chức các buổi kết nối cung - cầu nội thất giữa Việt Nam và các thị trường tiềm năng như Canada, Anh, Trung Đông…
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - Trưởng ban tổ chức HawaExpo 2023 - cho biết với chủ đề “Growth through Diversification”, khách tham quan sẽ được chứng kiến màn trình diễn phong phú, đa dạng của các doanh nghiệp nội thất Việt Nam có mặt tại HawaExpo.
“Cùng với những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ, chúng tôi luôn ý thức hội chợ triển lãm lần này không chỉ là nơi buôn bán đồ gỗ thông thường mà còn là nơi trình diễn của các khách quốc tế về năng lượng sản xuất và khả năng cung ứng cho thị trường, sau cùng chính là điều tự hào ngành nghề quốc gia”, ông Khanh nói.
Kế thừa và phát huy những thành công từ việc chuyển đổi số từ những năm trước, Hiệp hội gỗ Việt Nam tiếp tục xây dựng các chương trình truyền thông số, gian hàng điện tử, triển lãm trực tuyến, ứng dụng HawaExpo khách hàng kết nối với các doanh nghiệp dễ dàng hơn.
Ngành gỗ không chỉ là sự nối dài của ngành công nghiệp, mà được hình thành phát triển bởi các yếu tố như nguyên liệu, tay nghề khéo léo, thiết kế sáng tạo, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Do đó, ngành gỗ Việt Nam hiện nay có những thành công nhất định khi hài hòa được các yếu tố trên.
Tuy nhiên, để ngành gỗ có thể tiến sâu và toàn diện vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh không chỉ trên mặt số lượng và giá cả đối với các quốc gia hàng đầu như Trung Quốc, Đức, Ý, Ba Lan,... ngành gỗ cần phát triển bền vững thông qua những đầu tư về công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nắm bắt các xu hướng net Zero.
“Đây có thể là một thách thức đối với một số doanh nghiệp, nhưng tôi tin đây sẽ là động lực thúc đẩy thế hệ mới, đặc biệt thế hệ trẻ. Hy vọng thế hệ thứ ba đang được đào tạo bài bản sẽ mang lại một làn gió mới cho thiết kế công nghệ điện tử, để ngành gỗ Việt Nam thành một ngôi sao sáng mãi”, ông Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét