Trong tổng số kim ngạch gần 50 tỷ USD xuất khẩu từ các sản phẩm nông nghiệp thì gỗ chiếm gần 16 tỷ USD. Mặc dù đóng vai trò lớn như vậy nhưng ngành gỗ vẫn chưa tận dụng được nhiều lợi thế để gia tăng lợi nhuận.
Tiềm năng lớn
Có thể khẳng định, gỗ và sản phẩm gỗ đã sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên, hiện nằm trong nhóm cao.
Tính riêng 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt gần 14 tỷ USD, chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái; đứng thứ 6 về trị giá trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ gia công đạt hơn 10 tỷ USD, tăng với tỷ lệ khiêm tốn 1,5% so với cùng kỳ. Nếu tính chung cho cả năm 2022, ước kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước đó, và giảm tới gần một nửa so với tốc độ tăng trưởng của ngành này trong năm 2021 là 19,7%.
Ước tính nhu cầu của thị trường đồ gỗ trên thế giới hiện có khoảng hơn gần 500 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đáp ứng chưa đầy 1,5% tổng nhu cầu rất lớn này. Ông Huỳnh Văn Hạnh - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, dư địa cho ngành gỗ rất lớn nhưng đáng tiếc các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được nhiều.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nho - Tổng Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hải Bình (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đánh giá, so với doanh nghiệp nhiều nước của châu Á, thậm chí là khu vực Đông Nam Á, khả năng tiếp cận thị trường; phân tích và khả năng xử lý liên quan đến pháp lý của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chính vì vậy mà doanh nghiệp của chúng ta thường thua thiệt. “Nói là xếp thứ 5 thế giới nhưng khoảng cách giữa nước thứ tư hoặc thứ ba còn khá lớn, sản phẩm của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ lệ trên dưới 2% nhu cầu đã nói lên điều đó”, ông Nho phân tích.
Theo ông Nho, để xuất khẩu hiệu quả, ngoài giải quyết vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế mức thấp nhất lãng phí thải từ răm gỗ, vỏ gỗ, cành. Đặc biệt là đầu tư sản xuất những sản phẩm tinh, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc chế biến, gia công theo mẫu của khách hàng nên giá trị mang lại còn thấp.
Theo Vifores, các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến gỗ xuất khẩu đang đứng trước nhiều cơ hội bởi đã xuất khẩu trên 3.000 loại sản phẩm sang gần 50 thị trường trên thế giới. Cả nước hiện có gần 5000 doanh nghiệp và trên 300 làng nghề chế biến gỗ. Trong đó, tập trung nhiều nhất là khu vực miền Đông Nam bộ (Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM). Nhiều doanh nghiệp đã phát triển với quy mô lớn trên 100 tỷ đồng.
Cảnh giác với phòng vệ thương mại
Mặc dù có vị trí cao so ở châu Á nhưng ngành gỗ Việt Nam đang giảm dần lợi thế. Đặc biệt, có tới 65%, là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất gia đình hay làng nghề, không chỉ thiếu trang thiết bị sản xuất hiện đại mà còn ít khả năng cung ứng liên tục với số lượng lớn cho yêu cầu xuất khẩu.
Có thể thấy, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, các DN xuất khẩu gỗ cũng đối diện với không ít rào cản. Đặc biệt là khi phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế từ các quốc gia nhập khẩu như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hoa Kỳ gần đây cũng liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm Việt Nam.
Theo một khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với gần 40 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, chỉ có 1/3 doanh nghiệp là có tiêu chuẩn về kiểm soát xuất xứ nguyên liệu. Ngoài ra, có đến gần 10 doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn không biết đến những quy định bắt buộc khi bước vào thị trường này.
Ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) chia sẻ, nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại luôn xảy ra, hàng hoá chúng ta thâm nhập càng nhiều, giá càng rẻ thì càng bị áp dụng biện pháp này. “Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ sang Hoa Kỳ ngày càng tăng chính là nguyên nhân khiến ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Hoài nhận định.
Những rủi ro trong thương mại quốc tế thường được giới chuyên gia, nhà quản lý khuyến cáo đối với cộng đồng DN xuất khẩu. Ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng không ngoại lệ. Thực tế này tiếp tục đặt ra những yêu cầu đối với các DN xuất khẩu của nước nhà, trong việc nắm bắt thật kỹ thông tin về thị trường quốc tế, đồng thời lưu trữ thật đầy đủ các hồ sơ, dữ liệu liên quan đến hàng hóa xuất khẩu để có thể ứng phó khi cần thiết.
Ông Vũ Văn Lượng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Tiến Lợi (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) khẳng định, một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tỷ trọng và giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thấp chính là nguyên liệu. “Chúng ta đang thiếu vùng nguyên liệu lớn, doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu về để tái chế còn phổ biến. Trong khi giá nhập về đã cao, kéo theo còn bị động về nhiều thứ như thị trường, vốn, công nghệ” - ông Lượng nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét