Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giảm nghèo bền vững là một hành trình gian nan và tâm huyết của các cấp ủy và chính quyền địa phương Quảng Nam nhiều năm nay. Mới đây, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích người trồng rừng chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và phát triển các loại cây bản địa đa mục tiêu.
Với diện tích 1,9ha, khu rừng gỗ lớn tại Gò Hầm (thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) của gia đình ông Nguyễn Đình Mỹ khiến nhiều người trầm trồ tư duy "đi trước" về trồng rừng gỗ lớn.
Ông Mỹ cho biết, từ năm 2003, bố ông đi rừng đem cây huỷnh, dầu rái, dó con về trồng xen canh. Đến nay, có gần 3.000 cây, nhiều cây huỷnh đã 19 năm tuổi, đường kính từ 80 - 100mm.
Theo ông Mỹ, việc chăm sóc thực bì cho cây gỗ lớn không tốn nhiều công, cây không bị trâu bò phá hoại, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, không cần phải bỏ vốn tái đầu tư trồng lại như cây keo.
Bên cạnh đó, trong thời gian chờ thu hoạch gỗ vẫn có thể tỉa thưa bớt huỷnh để bán gỗ đòn đông làm nhà với giá 2 triệu đồng/cây. Dự kiến 10 năm nữa rừng huỷnh của ông Mỹ sẽ cho khai thác, giá bán hiện nay là 9 - 10 triệu đồng/m3 gỗ huỷnh.
Được biết, hiện 1.000 cây dầu rái của ông Mỹ sắp đến tuổi khai thác. Theo tính toán của ông Mỹ, mỗi tháng sẽ thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt chỉ tốn 1 ngày công và thu nhập được khoảng 4 triệu đồng.
"Việc chăm sóc, thu hoạch rừng gỗ lớn, nhất là cây dầu rái không tốn nhiều thời gian. Vì vậy thời gian tới, tôi sẽ đầu tư nuôi thêm heo, gà thả vườn và cá. Lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn của gia đình…", ông Mỹ cho biết thêm.
Theo ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm (Nông Sơn, Quảng Nam) cho hay, địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn, khoảng hơn 1.200ha với hàng trăm hộ trồng rừng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với việc phát triển trồng rừng gỗ lớn. Xã đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, ưu thế về hiệu quả kinh tế cũng như môi trường, chuyển tư duy từ "ăn non" sang bán gỗ rừng có giá trị kinh tế cao hơn.
Xã sẽ đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích, qua đó nâng cao thu nhập.
Theo ghi nhận, từ năm 2019 - 2021, huyện Nông Sơn đã trồng 207ha rừng gỗ lớn (cây keo lai nuôi cấy mô, keo tai tượng Úc), hoàn thành kế hoạch được giao.
Ông Quảng Văn Ngọc - Bí thư Huyện ủy Nông Sơn cho biết, trồng rừng gỗ lớn là chủ trương sát đúng với tình hình thực tế hiện nay. Theo Nghị quyết Huyện ủy Nông Sơn đề ra, toàn huyện phấn đấu trồng 100ha rừng gỗ lớn trong năm 2022. Theo đó, vận động người dân hưởng ứng, thực hiện trồng các loại cây lâm nghiệp bản địa như giổi, lim, chò,...
Bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, huyện Nông Sơn đang chú trọng thay đổi tư duy của người dân, gắn kết đời sống người dân với rừng và hệ sinh thái rừng để tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn.
Việc phát triển rừng gỗ lớn tại huyện Nông Sơn (Quảng Nam) là hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi sự đa dạng sinh thái, điều hòa nguồn nước...
Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của cây keo mang lại trong đời sống người dân thời gian qua. Thế nhưng, tình trạng người dân phá rừng, ồ ạt trồng cây keo ở vùng núi cao cho thấy lợi bất cập hại. Nạn phá rừng tự nhiên, chặt hạ rừng đầu nguồn để trồng keo, lợi một người nhưng hại đến hàng triệu người. Hậu quả nhãn tiền là những trận lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lịch sử gây tổn thất nặng nề về người và tài sản.
Đã đến lúc chính quyền và người dân các địa phương cần xem lại chuyện được mất từ việc trồng cây keo ngắn ngày ở vùng núi cao, từng bước chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là hướng đi phù hợp trong bối cảnh rừng tự nhiên bị thu hẹp và thiên tai ngày càng cực đoan.
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Bảo vệ rừng- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét