Qua nhiều thế hệ, người dân ở làng Đông Dương (xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã chung tay, huy động mọi nguồn lực để bảo vệ khu rừng hàng trăm năm tuổi.
Là một vùng trũng thuộc huyện Hải Lăng, thôn Đông Dương được xem là vựa lúa của tỉnh Quảng Trị với diện tích gieo trồng cây lúa năm 2022 hơn 390ha.
Ở thôn Đông Dương có 1 khu rừng hơn 60ha, trong đó có hơn 10ha rừng tự nhiên với phần lớn là cây trâm bầu. Rừng trâm bầu xanh thẳm nối nhau từ đồi cát này đến vùng cát nọ, có cây hơn 300 tuổi vài người ôm không xuể.
Những chủng thực vật như cây trai, cây trổ… thường phân bố ở vùng đất thịt cũng có mặt ở khu rừng này và hơn 150 loại dược liệu, trong đó có dược liệu quý. Trong thảm thực vật lớn nhỏ ở rừng Đông Dương, còn có những cây gỗ như dỗi, đa cổ thụ, trầm ná, gõ...
Anh Phan Văn Hòa (53 tuổi, trú tại làng Đông Dương) cho biết, rừng ở đồng bằng, ngay khu dân cư nhưng vẫn được bảo vệ, giữ gìn vì ở làng đặt ra phương châm “rừng mất thì làng mạt”.
Anh Hòa kể, hơn hai thế kỷ có mặt làng Đông Dương, vấn đề giữ rừng được đưa vào hương ước của làng xã, bảo vệ rừng là bảo vệ làng, phá rừng đồng nghĩa với phá làng nên ai vi phạm sẽ bị xử lý theo mức độ quy định.
Nhờ vậy, khu rừng Đông Dương che chắn cát, giữ độ ẩm cho một vùng đất cát tưởng như chẳng làm nên áo cơm thì người dân hưởng lợi gián tiếp từ rừng có thể sản xuất hoa màu, rau củ quanh năm. Giữa mênh mông cát trắng có hàng trăm vườn rau xanh mướt, từng giàn mướp, ruộng màu… nối nhau tít tắp giúp hơn 200 hộ với trên 700 người dân có thu nhập ổn định từng ngày bằng nghề trồng mướp, trồng rau.
Ông Phan Kim Khánh - nguyên trưởng thôn Đông Dương - kể rằng, sau giải phóng, khoảng năm 1976, ở khu rừng Đông Dương có hai cây gỗ quý mọc song song với nhau mà người làng quen gọi là cây “Song Mã”. Các đối tượng đã nhiều lần chờ đến đêm, nhất là mùa mưa để đốn trộm. Rất nhiều lần như thế, người làng ra sức bảo vệ nhưng cây xa làng, trộm giở trò vào ban đêm mưa gió nên chúng đã cướp được 1 cây trong mùa lũ, người làng giữ được một cây. Giờ nó đã lớn vượt tầm người ôm, nhiều người vẫn cùng nhau ngày đêm bảo vệ.
Năm 2015, cây Gụ lau (thuộc họ Đậu, có tên trong khoa học là Sindora Tonkiensis A. Chev) đường kính khoảng 0,8m trong rừng nguyên sinh Đông Dương bị lâm tặc đẽo gốc. Hành động này của chúng là để giết cây, ông Khánh cho hay. Phần vỏ ở gốc bị đẽo, cây sẽ chết nếu không lấy được dinh dưỡng từ thân rễ. Và nếu cây Gụ lau chết sẽ được đem ra bán đấu giá công khai chỉ vài trăm đến 1 triệu đồng là cùng.
Khi phát hiện ra được “vết thương” của cây, nhiều người dân được sự giúp sức của ngành lâm nghiệp, trong đó có các cán bộ đầu ngành của Trường Đại học Lâm nghiệp Huế nên cây được cứu.
Ngày nay, cây Gụ lau đã hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường và sinh trưởng tốt. Lực lượng kiểm lâm địa phương cũng đã gắn “chíp” để theo dõi, bảo vệ một số chủng thực vật quý hiếm trong rừng Đông Dương nên hạn chế được tối đa nạn lâm tặc xâm hại rừng, người dân cũng bớt lo lắng hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét