Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) gặp nhiều thách thức hơn, khi sắp tới, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến phá rừng được thông qua.
Ảnh minh họa |
Kiểm soát chặt nguồn gốc nguyên liệu
Vừa qua, EU đã đạt được một thỏa thuận về dự luật mới, cấm các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu những sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, đậu nành, gỗ, dầu cọ… có liên quan đến nạn phá rừng trên toàn cầu.
Dự luật đặt ra quy tắc bắt buộc với các công ty bán những sản phẩm nói trên để đảm bảo những sản phẩm này không phải được sản xuất trên những khu đất hình thành từ việc phá rừng.
Một khi EU áp dụng luật mới, đồng nghĩa rằng, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU gặp nhiều thách thức hơn, “cửa hẹp” hơn nếu ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định mới từ nhà nhập khẩu.
Là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, đồ gỗ đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên chục tỷ USD, như năm 2021 là 14,7 tỷ USD.
Đơn hàng sụt giảm khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý IV/2022 chỉ đạt 3,6 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng hết năm 2022, toàn ngành vẫn cán đích 15,8 tỷ USD, tăng 7%, chiếm tỷ trọng khá lớn trong con số 53 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản.
Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU giảm nhẹ do tác động của lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn, nếu không đáp ứng các quy định mới, lập tức sẽ tác động ngay đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong dài hạn.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho hay, với quy định mới của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được yêu cầu thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp nơi các loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng, để những hàng hóa này có thể được kiểm tra xem có tuân thủ quy định hay không.
Phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp
Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam hiện có 3.000 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu, trong đó số doanh nghiệp xuất khẩu sang EU cũng lên tới hàng trăm.
EU là thị trường quan trọng của ngành gỗ, các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác, phải đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu.
Mặc dù quy định của EU chưa được thông qua, nhưng từ thời điểm này sẽ là thời gian để ngành gỗ và các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển mạnh chuỗi giá trị gỗ hợp pháp. Sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp và được sản xuất hợp pháp tại tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng gỗ.
Sau khi Nghị viện và Hội đồng châu Âu chính thức thông qua quy định mới, các nhà khai thác và doanh nghiệp sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy tắc mới.
Thực tế, chưa cần chờ đến khi EU ban hành luật mới, từ năm 2018, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được ký kết cũng có những quy định về kiểm soát nguyên liệu.
Mục tiêu của Hiệp định VPA/FLEGT là thiết lập khung pháp lý đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp. VPA/FLEGT không chỉ giải quyết tính hợp pháp của gỗ trong nước, mà còn giải quyết tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu vào Việt Nam
Hợp pháp và bền vững là yêu cầu số một của ngành gỗ khi các quốc gia đều đưa ra những quy định mới về nguồn gốc gỗ hợp pháp, chống nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp từ các nước xuất khẩu nguyên liệu lẫn nước sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, yêu cầu về gỗ nguyên liệu hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ là nhiệm vụ của ngành sản xuất, chế biến gỗ. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới, song cũng là nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn khi nhập tới 322 loại gỗ các loại từ hơn 100 quốc gia. Hàng năm có trên 1.200 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Không chỉ EU, mà nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng có những chính sách xem xét nguồn gốc gỗ hết sức chặt chẽ. Để tận dụng các FTA, tăng tốc xuất khẩu, không có con đường nào khác là tuân thủ quy định từ các nhà mua hàng. Năng lực cung ứng nguyên liệu được mở rộng, đảm bảo tính hợp pháp sẽ đưa Việt Nam sớm cán đích mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 25 tỷ USD.
Nhận xét
Đăng nhận xét