Nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự chung tay của cả cộng đồng, trong những năm qua, nhiều diện tích rừng ngập mặn từng bị tàn phá một thời đã dần hồi sinh. Mỗi năm, từng cây đước được cắm xuống bùn mang theo niềm hi vọng "có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh"…
Nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự chung tay của cả cộng đồng, trong những năm qua, nhiều diện tích rừng ngập mặn từng bị tàn phá một thời đã dần hồi sinh. Mỗi năm, từng cây đước được cắm xuống bùn mang theo niềm hi vọng “có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh”…
“Có một cây là có rừng”
Chúng tôi tìm đến đìa của ông Trình Kim Dược (thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa). Từ chòi nhìn ra mặt đìa thoáng rộng với những cây đước xanh ngắt in bóng xuống mặt nước đẹp như tranh, ông Dược kể, gia đình ông có 5,5ha đìa. Mấy chục năm trước, nơi đây là khu rừng đước tự nhiên rậm rạp, thân cây to đẹp nhưng đã bị chặt để nuôi tôm. Khi không còn cây đước, đất bị chai, đìa nuôi không hiệu quả nên ông đã trồng lại rừng đước. Đến nay, chuyện trồng đước đã qua 20 năm; những cây đước ngày ấy đã phủ xanh rất đẹp. “Nhờ cây đước mà bảo vệ được đìa, nuôi quảng canh hiệu quả. Trong khi nuôi tôm công nghiệp yêu cầu cao về kỹ thuật, chăm sóc mà vẫn có nguy cơ thiệt hại thì nuôi quảng canh rất khỏe, tầm tháng 3, tháng 4 thả giống chờ thu hoạch. Giờ hết tôm, tôi còn đang nuôi cua, vẫn cho thu hoạch lai rai” - ông Dược cho biết.
Ông Nguyễn Tấn Tài (TP. Nha Trang) được biết đến là người rất tích cực trồng rừng ngập mặn ở Ninh Ích. Ngày cuối tuần, chúng tôi đến khu vực đìa của gia đình ông ở ven đầm Nha Phu. Gia đình ông Tài có 4.500m2 đìa ở đây đã được trồng đước. Ông kể, thời trẻ, khi còn làm hướng dẫn viên du lịch, tiếp xúc với nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có những người làm về nghiên cứu biển, được biết về ý nghĩa của rừng ngập mặn, càng tìm hiểu càng thấy nhiều điều thú vị nên ông bắt đầu trồng đước để góp phần khôi phục diện tích rừng ngập mặn đã bị tàn phá trước đây do phong trào nuôi tôm công nghiệp.
Tâm niệm “có một cây là có rừng”, cứ tầm tháng 6, tháng 7 hàng năm, khi trái đước chín già, ông Tài lại hái xuống trồng từng hàng đều đặn. Ông không chỉ trồng trong đìa của mình mà còn trồng lan ra ven biển. Đến nay, diện tích trồng đước khoảng 6.000m2. Ngoài ra, ông còn thuê của xã Ninh Ích 2ha đất để sắp tới tiếp tục trồng. “Loài cây này có sức sống rất mãnh liệt. Cơn bão số 12 (năm 2017) đã tuốt sạch lá, nhưng không làm ngã đổ cây nào. Chỉ 2 tháng sau, cây lại bung đọt rồi chẳng mấy chốc xanh tốt trở lại. Những chùm rễ chằng chịt, đan dày tạo nên bức tường xanh vững chắc chắn sóng gió, triều cường. Nhìn những cây đước tự tay mình trồng lớn dần, màu xanh của đước ngày càng mở rộng, ngắm đàn cò đậu trắng những thân cây như minh chứng “đất lành chim đậu”, tôi thấy thật ý nghĩa, hạnh phúc.” - ông Tài chia sẻ.
Mai này rừng sẽ thêm xanh
Nhiều năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn khu vực đầm Nha Phu được khôi phục. Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, trước năm 2000, diện tích rừng ngập mặn của xã tương đối lớn, tầm 180ha. Tuy nhiên, từ năm 2000, khi phong trào nuôi tôm phát triển, người dân tự ý chặt phá, khai hoang, đào ao để nuôi tôm nên diện tích rừng ngập mặn mất rất nhiều. Khoảng năm 2005, có tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản đến địa phương đặt vấn đề trồng lại diện tích rừng ngập mặn và họ đã trồng khoảng 5ha. Sau đó, địa phương phối hợp trồng thêm 10ha nữa. Một số hộ dân sau khi thấy lợi ích từ rừng ngập mặn cũng đã tự trồng ở ao, đìa... Đến nay, diện tích rừng ngập mặn của xã Ninh Ích gần 40ha, nằm rải rác dọc theo các tuyến bờ biển, ao, đìa chứ không tập trung như trước đây.
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Quản lý vịnh Nha Trang, trước năm 1990, ở vịnh Nha Trang có 500ha rừng ngập mặn, tới năm 1999 chỉ còn 200ha, và hiện nay chỉ còn 6,4ha tập trung ở khu vực Đầm Bấy (phường Vĩnh Nguyên). Trong đó, 2,3ha là rừng tự nhiên, còn 4,1ha là do Ban Quản lý vịnh Nha Trang phối hợp với các cơ quan, đơn vị và người dân địa phương tổ chức trồng. Trong năm 2022, Đoàn Thanh niên của đơn vị đã phối hợp với Thành đoàn Nha Trang trồng khoảng 2ha ở khu vực cửa sông Quán Trường (xã Phước Đồng). Thông qua đó để tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và cùng chung tay phục hồi rừng ngập mặn…
Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, rừng ngập mặn vùng ven biển Khánh Hòa có vai trò rất quan trọng, không chỉ đối với hệ sinh thái và môi trường, như: Điều hòa khí hậu, hấp thụ CO2, ngăn gió, sóng, chống xói lở đường bờ mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, như cung cấp nguồn lợi thủy sản, là môi trường sống của nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế cao và phát triển dịch vụ du lịch. Vì vậy, cần có những giải pháp tích cực và lâu dài, trong đó bảo vệ diện tích hiện tại, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên hàng đầu hiện nay. Chỉ như vậy, rừng ngập mặn vùng ven biển Khánh Hòa mới được xem như “lá phổi xanh” góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đất ngập nước và góp phần nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ven biển.
Kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học năm 2022 về đánh giá hiện trạng diện tích rừng ngập mặn vùng ven biển tỉnh Khánh Hòa từ ảnh viễn thám quang học Sentinel-2 độ phân giải không gian 10m cho thấy, tổng diện tích rừng ngập mặn vùng ven biển Khánh Hòa là 80,66ha; tập trung ở ven bờ vịnh Vân Phong, khu vực đầm Nha Phu, ven bờ đầm Thủy Triều, khu vực vịnh Cam Ranh và Đầm Bấy. |
KHÁNH NINH
Nhận xét
Đăng nhận xét