Từ cuối năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, cùng sự khó khăn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang khiến đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý I/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%.
Về thị trường, thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%. Về đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Chia sẻ với PV Thương Trường, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Nguyễn Liêm cho biết, từ cuối năm 2022 đơn hàng đã giảm, hàng tồn kho rất nhiều vì sức mua hiện rất yếu, không có đơn hàng.
“Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ tới tháng 6/2023. Thông thường, thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng thì phải chuẩn bị nguyên liệu, đến hết tháng 6 hàng phải làm xong và đợi đến tháng 11 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra. Nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng. Hàng tồn kho còn nhiều nên cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất” ông Liêm, chia sẻ.
Còn theo ông Đào Thế Sơn, đại diện Công ty gỗ Chấn Phong (địa chỉ Bình Dương) cho biết: “Hiện không có đơn hàng. Từ đầu năm đến nay có được một vài đơn mà khách hàng lại dời ngày xuất liên tục chưa xuất đi được. Hiện tại chỉ duy trì bởi những đơn hàng nhỏ lẻ mà tận mấy tháng mới xuất được một đơn. Hiện tại doanh nghiệp rất khó khăn chỉ duy trì cầm chừng gồng lỗ”.
Ngày 13/4, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest). Qua đây, hiệp hội đã kiến nghị những chính sách cần kịp để gỡ khó trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng khi phải đối diện những khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ…
Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế. Ngoài TP.HCM có trung tâm triển lãm quy mô tương đối nhỏ thì ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng như các địa phương trọng điểm khác vẫn chưa có. Đây là một hạn chế trong việc thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm hiện nay.
Đồng thời, các bộ, ngành hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức các hội chợ quốc tế trong nước để thu hút, quảng bá sản phẩm; tăng mức hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế, vì chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp, trong khi chi phí để tham gia khá cao.
Các tham tán thương mại cũng cần thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn được giãn nợ đến hạn từ 6-12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân trong năm 2023... Các kiến nghị này của ngành gỗ đã được Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp.
Với ngành dệt may Việt Nam, theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu của thế giới. Do khó khăn chung, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may. Những vấn đề đó dẫn đến tồn kho của các nhãn hàng lớn của các tập đoàn thời trang thế giới vẫn ở mức cao. Doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm sâu.
Tồn kho của Nike đến hết quý I/2023 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu thuần tăng 14% nhưng lợi nhuận ròng giảm 11% so với cùng kỳ. Adidas tính đến hết tháng 12-2022, tồn kho tăng 49%, lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 83% so với năm 2021. Inditex tồn kho tăng 4,9% tính đến hết tháng 1/2023. Hanes tồn kho năm 2022 tăng 24,9% so với năm trước đó.
Theo đại diện HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, lạm phát tại Hoa Kỳ và EU (Liên minh châu Âu), 2 thị trường lớn của hàng dệt may tăng lên ngưỡng cao trong vòng 40 năm qua, đây là bất lợi đối với ngành. Hiện tại, giá gia công giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3, tháng 4/2023. Trong khi mọi năm, thời điểm này đã có đơn hàng làm hết tháng 6 hoặc hết năm.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang cho biết, quý I/2023, số đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm từ 25%-27% do sức mua toàn cầu giảm, doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu.
Nhận xét
Đăng nhận xét