Được thiên nhiên ưu đãi, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc của huyện Chợ Đồn có hệ động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và còn lưu giữ được các dấu tích khai thác mỏ cách đây hàng trăm năm của thực dân Pháp.
Nếu được đầu tư đúng hướng, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vùng đất giàu tiềm năng
Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 342/QĐ-UB ngày 17/3/2004 với tổng diện tích tự nhiên là 1.788ha, nằm trên địa phận hai thôn Nà Dạ và Bản Khang thuộc xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.
Theo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013-2020, do UBND tỉnh phê duyệt ngày 14/01/2014, Khu bảo tồn có diện tích hơn 4.155ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng trên 2.552ha; phân khu phục hồi sinh thái hơn 1.586ha; phân khu dịch vụ - hành chính 9,04ha; vùng đệm trong 8,01ha, nằm trên địa bàn các xã: Xuân Lạc, Bản Thi, Đồng Lạc huyện Chợ Đồn; vùng đệm ngoài hơn 16.371ha, nằm trên địa bàn 4 xã Xuân Lạc, Bản Thi, Đồng Lạc và Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn.
Ngành Kiểm lâm thống kê, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có 653 loài thực vật bậc cao, trong đó có 50 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 09 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN. Tiêu biểu như các loại gỗ quý như: Nghiến, trai, đinh, phong lan và nhiều loài dược liệu quý gồm: Đẳng sâm, ba kích, kê huyết đằng…
Về khu hệ động vật, nơi đây đã ghi nhận sự có mặt của 29 loài thú, 47 loài chim và 12 loài bò sát. Đặc biệt nơi đây xuất hiện một số loài thú đặc biệt quý hiếm như: Khỉ đen, khỉ mốc, cu li lớn, cu li nhỏ, gấu chó, vạc hoa… Sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn tạo sức cuốn hút lớn đối với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch bảo tồn.
Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc còn lưu giữ được những chứng tích cách đây hàng trăm năm, khi thực dân Pháp khai thác khoáng sản tại đây. Đó là hệ thống các công trình đường hầm xuyên núi; hệ thống đầu tời, cáp treo; những con đường lát đá xuyên rừng già để vận chuyển khoáng sản của mỏ chì kẽm được cho là lớn nhất Việt Nam; khu nhà ở của người Pháp nằm trong thung lũng giữa rừng nay còn nguyên trạng…
Cùng với đó là các địa danh có phong cảnh đẹp nguyên sơ như: Lũng Trang, Lũng Lỳ, hang nghiến, thác Nà Dạ…
Phát triển du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn
Mới đây, chúng tôi có dịp đi cùng đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành khảo sát xuyên rừng khu bảo tồn. Sự độc đáo về cảnh quan đem lại ấn tượng mạnh cho các thành viên trong đoàn.
Nhiều người đánh giá, dù đã từng đi trải nghiệm tham quan một số nơi như: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Ba Vì, Nam Cát Tiên… nhưng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc vẫn có sức hấp dẫn và vẻ đẹp độc đáo riêng biệt.
Những con đường kè bằng đá xuyên rừng nguyên sinh có tuổi đời hàng trăm năm. |
Ngược lên đỉnh Phja Khao theo con đường đá quanh co, càng đi càng thấy không khí mát lạnh và trong lành như thấm vào từng hơi thở. Đây là nơi có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển, nền nhiệt độ lạnh giống như các vùng núi ở Sapa, rất phù hợp trồng các loại rau, hoa, quả như: Su su, mận, ổi...
Từ điểm tập kết, chúng tôi xuống xe, đi bộ tham quan điểm Đầu cáp Bình Trai. Con đường rộng khoảng hai mét, được lát bằng đá hết sức khéo léo. Nhiều chỗ bờ kè đá sâu gần chục mét, rêu phong phủ đầy, không hề thấy dấu hiệu phải dùng đến vôi vữa bê tông mà vẫn vững chãi hàng trăm năm nay.
Đường đá này đi xuyên qua nhiều hang núi nhân tạo còn nguyên dấu vết đục đẽo của những người phu mỏ cách đây hàng thế kỷ. Gió hút qua hang mát lạnh, trần hang lấp lánh thớ đá mỗi khi ánh đèn rọi tới. Tại điểm đầu cáp tời, các kết cấu khung thép để vận chuyển quặng dù qua hàng trăm năm vẫn đứng vững giữa bạt ngàn rừng già.
Dấu tích các công trình thực dân Pháp xây dựng để khai thác khoáng sản. |
Ngược trở lại điểm tập kết, đoàn công tác tiếp tục đi tới Lũng Trang, Lũng Lỳ. Con đường lát đá giờ chỉ từ rộng dưới 1 mét, được sắp xếp khéo léo từ các phiến đá dài. Mỗi tuyến đường quanh co này dài từ 2 - 7km, kết nối thành mạng lưới trong rừng nguyên sinh. Nhiều đoạn gập gềnh, bờ taluy âm được kè đá xuống vực sâu hàng chục mét rất chắc chắn.
Hai bên đường là rừng nghiến, trai cổ thụ sừng sững vươn cao, vỏ cây xù xì các cục bướu in dấu hàng thế kỷ sinh trưởng và phát triển. Hai bên lối đi là thảm thực vật dày đặc với nhiều loại cây rừng trổ hoa sặc sỡ. Qua những đoạn mưa rừng nặng hạt là các trảng cỏ rộng lọt giữa rừng già, nắng hửng lên dưới tiếng suối chảy róc rách, thấp thoáng đàn sóc đi kiếm thức ăn, chuyền cành thoăn thoắt…
Một số thung lũng bằng phẳng bao quanh bởi những cánh rừng nghiến. |
Tại khu vực Lũng Trang có vài nhà dân sinh sống. Cạnh đó là dấu tích khu nhà ngày xưa người Pháp ở, tường đã xanh rêu qua hàng trăm năm mưa nắng nhưng vẫn khá vững chắc, trong đó còn phân biệt rõ khu nhà ở, nhà bếp và các công trình khác.
Cơ hội thu hút đầu tư
Những tuyến đường đá xuyên rừng nguyên sinh tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, nếu được đầu tư tôn tạo, sẽ trở thành đường đi bộ trải nghiệm hoặc đạp xe địa hình mạo hiểm rất hấp dẫn du khách.
Di tích lịch sử - văn hóa đền Phja Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn. |
Những năm qua, tại nhiều Vườn quốc gia hoặc Khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước, mô hình bảo tồn gắn với phát triển du lịch đã được áp dụng, đem lại hiệu quả tốt. Đối với Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, một số khu vực đã được quy hoạch để khai thác khoáng sản. Tuy nhiên hoạt động này chủ yếu diễn ra trong lòng đất. Nếu có quy hoạch phù hợp, bổ sung cả mục đích phát triển du lịch thì tiềm năng lớn của vùng đất mỏ sẽ được khai mở, tạo cơ hội cho người dân phát triển dịch vụ, cải thiện đời sống cho đồng bào sinh sống trong vùng lõi, nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp ngành Kiểm lâm vừa giữ được rừng, vừa phát huy tốt giá trị của tài nguyên thiên nhiên.
Được biết, thời gian qua đã có doanh nghiệp xúc tiến lập dự án Đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp tại thôn Phja Khao, xã Bản Thi. Quy mô doanh nghiệp đề xuất gồm nhiều hạng mục như: Xây dựng khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi, khu trồng rau, su su, ổi, mận, chanh, hoa... khu đường ra các di tích, chứng tích và khu tham quan bảo tồn rừng.
Qua các bước khảo sát và lấy ý kiến các sở, ngành, tỉnh Bắc Kạn đang rất quan tâm đến dự án này. Mong muốn của lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương là khai thác bền vững, có hiệu quả tiềm năng du lịch, gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Để làm được điều đó, trước mắt tỉnh đang nghiên cứu kỹ các phương án, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mục đích sử dụng đất trong giai đoạn tới; đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường và xã hội trước khi phê duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch tại đây./.
Nhận xét
Đăng nhận xét