(HQ Online) - Để cụ thể hóa các cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất, châu Âu đã thông qua các dự luật nhằm cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Theo đó, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sẽ phải truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu bán trên thị trường châu Âu có sản xuất tại các khu vực bị mất rừng hay không.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng
Trước đó, ngày 19/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Theo đó, Luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, giấy in và cao su, và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm như vậy tới châu Âu sẽ phải cung cấp chứng nhận sản phẩm.
Cụ thể, các doanh nghiệp được yêu cầu cung cấp kết quả thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng về việc sản phẩm của họ không được trồng hoặc chăm sóc trên những vùng đất trống có được do phá rừng sau năm 2020. Nhà chức trách EU sẽ thực hiện các quy trình kiểm tra tùy theo xếp hạng mức độ nguy cơ vi phạm của quốc gia xuất khẩu. Các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt nặng, có thể chịu mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại một nước thành viên EU. Tuy nhiên, dù đã được thông qua nhưng đạo luật mới của EP vẫn cần nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia EU trước khi chính thức có hiệu lực. Sau khi EU chấp thuận, các doanh nghiệp sẽ có thời hạn từ 18 đến 24 tháng để thực hiện các quy định.
Chia sẻ các thông tin mới nhất từ EU về các bước chuẩn bị thực hiện quy định hàng hóa không gây mất rừng của EU, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội - Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, Luật mới được đưa ra nhằm loại bỏ những yếu tố khuyến khích phá rừng trong các chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tại châu Âu. Theo kế hoạch, vào khoảng tháng 12/2024 hoặc tháng 1/2025 dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng sẽ có hiệu lực. Riêng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này.
Trong thời gian tới, EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị
Cũng theo ông Rui Ludovino, ngành gỗ và cà phê sẽ bị tác động lớn bởi quy định của EU. Tuy nhiên, việc Việt Nam đang thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU (Hiệp định VPA/FLEGT), trong đó có quy định về pháp lý, về phát triển bền vững ngành gỗ sẽ là điểm mạnh của Việt Nam, cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng. Đây là cơ sở quan trọng của ngành gỗ Việt Nam mà các ngành khác có thể noi theo như: cao su, cà phê…
“Trong thời gian tới, EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình. Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng. Nhưng Việt Nam cần tăng cường hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU”, ông Rui Ludovino nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, canh tác nông nghiệp được nhận định là một trong những ngành sử dụng đất ở quy mô lớn. Việc mở rộng diện tích đất nhằm phát triển nông nghiệp hiện nay trên trên thế giới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất rừng, thu hẹp diện tích đất rừng. Trong bối cảnh đó, trên 140 quốc gia chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu cũng là các bên ký kết Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng, cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Đồng thời, mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông thôn bao trùm.
“Việc sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cần phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Theo đó, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng. Đồng thời, tăng cường trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về các thực hành tốt để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam theo hướng bền vững, không gây mất rừng trong thời gian tới”, ông Bảo nhấn mạnh.
Xuân Thảo
Nhận xét
Đăng nhận xét