Trải qua tháng đầu năm có kết quả thấp, hoạt động xuất khẩu nước ta bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại trong tháng 2 với kim ngạch ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vắng các đơn hàng cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều khả năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới.
Tính chung hai tháng, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,49 tỷ USD, tiếp tục giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm gần 21,1%, đạt 11,52 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI (bao gồm dầu thô) giảm 6,6%, đạt 37,92 tỷ USD.
Giảm mạnh ở nhiều nhóm hàng
Theo Bộ Công Thương, bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 688 triệu USD), trong đó riêng thủy sản giảm đến 32,9%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, hai thị trường lớn là Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục cho nên xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tính đến cuối tháng 2 đạt 164 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022; sang EU đạt 123 triệu USD, giảm 32%. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực này cũng đang sụt giảm mạnh, kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 4,55 tỷ USD, giảm tới 19,6% so với hai tháng đầu năm trước.
Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu đang ngày càng có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng, đồng thời việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam. Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính dự báo cũng sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Tại khu vực châu Âu, dù doanh nghiệp gỗ được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ,… mà phía EU đặt ra đang là vấn đề không dễ vượt qua. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng dẫn đến xu hướng đơn hàng chậm lại, mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm; thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại, nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Điểm sáng hiếm hoi của hoạt động xuất khẩu hai tháng đầu năm là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Với việc Tập đoàn Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm điện thoại mới sớm hơn năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 9,42 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giữ được đà tăng nhẹ (4,3%) chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 12,4%.
Cán cân thương mại trong hai tháng đầu năm tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 300 triệu USD). Tuy nhiên, Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có phần trầm xuống. Cụ thể, nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu sản xuất hai tháng ước đạt 41,2 tỷ USD, giảm 16,6%. Điều này cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Đa dạng hóa thị trường
Không chỉ thiếu vắng đơn hàng, hoạt động xuất khẩu còn phải đối mặt với thách thức từ việc sụt giảm giá nhiều mặt hàng chủ lực. Theo đó, hiện giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà-phê, sắn và sản phẩm từ sắn đã giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm 2022; giá hạt tiêu thậm chí giảm tới 31,4%, giá cao-su giảm mạnh 20,6%. Một số mặt hàng công nghiệp chế biến cũng chịu cảnh sụt giá mạnh như phân bón giảm 25,5%; chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%; sắt thép giảm 32%;…
Tuy nhiên, giá một số mặt hàng như gạo, xăng dầu, than đá, chè lại đang có xu hướng tăng. Trước tình hình như vậy, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống, vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản,… có thể ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Bộ sẽ thực hiện đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa hai nước, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính thời vụ; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Mặt khác, các thị trường mới tại khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La-tinh tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác cũng sẽ được định hướng để thúc đẩy xuất khẩu.
Giải pháp trọng tâm khác là tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn doanh nghiệp phát huy hiệu quả ưu đãi của các FTA đã ký kết, từ đó tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này. Trong bối cảnh các nước đối thủ cạnh tranh đang tích cực đàm phán FTA với nhiều đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, chúng ta cần tập trung khai thác lợi thế của người đi trước một cách hiệu quả nhất, đồng thời thúc đẩy đàm phán các FTA mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) nhằm biến thành động lực khai thác thị trường Mỹ La-tinh.
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nâng cao nhận thức về hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển như xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu;…
Nhận xét
Đăng nhận xét