Ngày 27.4, sau bài báo phản ánh của báo Lao Động, lực lượng kiểm lâm đã đi kiểm tra và phát hiện xe ôtô tải biển số 74C-030.XX chở theo 45 lóng gỗ với khối lượng hơn 1,6m3. Qua kiểm tra, xác định 45 lóng gỗ là cây rừng tái sinh tự nhiên.
Bắt quả tang việc vận chuyển gỗ rừng
Ông Bùi Văn Duẩn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, trưa ngày 27.4, ngay khi báo Lao Động thông tin, cây rừng tái sinh tự nhiên tại địa bàn xã Hướng Phùng bị đốn hạ, đơn vị này đã cử lực lượng đi kiểm tra và phát hiện xe tải chở 45 lóng gỗ.
Người điều khiển ôtô tải cho biết, đã nhận chở thuê số gỗ trên từ khu vực rừng trồng đang khai thác của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 bàn giao cho huyện Hướng Hóa (thuộc địa bàn xã Hướng Sơn).
Chiếc xe và các lóng gỗ này đã được đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, đang đợi xác minh thêm các thông tin để xử lý.
“Đối tượng vận chuyển cho biết các lóng gỗ rừng tái sinh tự nhiên được khai thác ở 2 tiểu khu 653 và 671, là khu vực mà báo Lao Động phản ánh” – ông Bùi Văn Duẩn, thông tin.
Đơn vị khai thác rừng trồng đã phá cây rừng
Ông Lê Quang Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, sau khi Sở NNPTNT tỉnh có chỉ đạo, UBND huyện Hướng Hóa đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra việc phá cây rừng tái sinh theo phản ánh.
Kiểm tra thực tế tại các tọa độ thuộc tiểu khu 653 và 671, phát hiện còn 20 gốc cây với phần lớn là cây sau sau. Đường kính gốc chặt trung bình của các cây từ 15-30cm, có gốc đường kính 105cm.
Đoàn kiểm tra phát hiện cạnh các gốc cây bị chặt có 9 lóng gỗ nghi được cưa hạ và cắt lóng từ các cây tự nhiên tái sinh.
Trong số 20 gốc cây bị cưa hạ, ông Phạm Văn Lương (trú tại thôn Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) thừa nhận đơn vị khai thác rừng trồng đã cưa hạ 17 cây với khối lượng gỗ hơn 2,3m3. 3 cây còn lại có đường kính lớn, thì chưa xác định được đối tượng cưa hạ.
Sau khi xác định thông tin báo Lao Động nêu là chính xác, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa xác định chủng loại gỗ, khối lượng và lập hồ sơ đề xuất xử lý đúng quy định của pháp luật đối tượng khai thác 17 cây rừng tái sinh tự nhiên. Bên cạnh đó, kiểm lâm và cơ quan công an tiếp tục xác minh đối tượng đốn hạ 3 cây rừng tái sinh tự nhiên còn lại để xử lý.
Đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra các tọa độ trong bài báo đã nêu và phát hiện 20 cây rừng bị đốn hạ, hay đã kiểm tra các diện tích khác? Trước câu hỏi này, ông Lê Quang Thuận nói rằng, trước mắt chỉ đạo các đơn vị xác minh thông tin báo nêu, tiếp đó sẽ yêu cầu rà soát lại toàn bộ các diện tích và xem xét trách nhiệm của cán bộ liên quan.
Trước đó, phóng viên báo Lao Động đã có mặt tại tiểu khu 653 và 671 ở thôn Ra Ly Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ghi nhận tình trạng nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên bị đốn hạ, rồi được đưa lên xe vận chuyển đi tiêu thụ. Ở 2 tiểu khu trên ban đầu là đất rừng phòng hộ, được trồng cây keo tràm và cây sao đen bằng nguồn vốn dự án 661 do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 triển khai.
Trên diện tích đất này, ngoài rừng trồng còn có nhiều cây rừng tái sinh tự nhiên sinh sôi, phát triển mạnh. Sau đó, đất và rừng ở 2 tiểu khu được phê duyệt phương án chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất và được bàn giao cho UBND huyện Hướng Hóa quản lý. Sau khi nhận quản lý, UBND huyện Hướng Hóa tổ chức khai thác, thanh lý diện tích rừng trồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét