Đẩy mạnh ngoại giao thương mại để mặt hàng gỗ trở lại vị trí xuất khẩu hàng đầu trong nhóm nông nghiệp, giữ vững vị trí trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
Xuất khẩu gỗ đang “lao dốc” ở tất cả các thị trường
Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang trong bối cảnh hết sức khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, so với 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Úc đều giảm mạnh từ 1,5% - 39,7%.
Tương tự đối với thị trường châu Âu (EU) đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặt dù hiện đang là mùa hàng của EU” - ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Trước các diễn biến xấu đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất tập trung vào 3 thị trường chính là Bắc Mỹ; Anh và châu Âu (EU); thị trường Đông Bắc Á.
Nâng cao vai trò ngoại giao để cứu ngành gỗ
Chiều tối 22.5.2023, tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, ngoại giao thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng khác có độ mở lớn của Việt Nam.
Hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra, vụ việc đã kéo dài, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Chính phủ, các cơ quan ngoại giao trao đổi với Bộ Thương mại Mỹ, đề nghị phía bạn giải quyết vụ việc đúng tiến trình, thời gian đã ấn định.
"Vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, và kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, điều đáng lo ngại là, các nhà mua hàng Mỹ chuyển dịch sang mua hàng tại các thị trường khác. Do đó, cần có sự can thiệp/vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện một cách công bằng" - ông Đỗ Xuân Lập nói.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng lưu ý rằng, đối với ngành gỗ, tranh chấp thương mại xảy ra chủ yếu liên quan đến lẩn tránh xuất xứ - chuyển khẩu. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Ngoại giao có giải pháp cụ thể để ngăn chặn xu thế sẽ bị khởi kiện khi có sự dịch chuyển của chuỗi cung về Việt Nam đối với các sản phẩm đã bị áp thuế chống trợ cấp, chống bán phá giá; kiểm soát việc chuyển khẩu, hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào sản xuất các sản phẩm đã bị áp thuế chống bán phá giá.
Đặc biệt, cần định hướng lại nguồn gốc nguyên liệu cấu thành sản phẩm đối với các doanh nghiệp và thị trường Mỹ để không xảy ra tình trạng chuyển khẩu hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp thương mại...
Nhận xét
Đăng nhận xét