Từng được biết đến với danh xưng “đại gia ngành gỗ” nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ ở Gia Lai đang buộc phải cắt giảm nhân công hoặc đóng cửa nhà máy.
Gia Lai từng được biết đến với danh xưng “đại gia ngành gỗ” với nhiều cái tên như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai… Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây việc thị trường tiêu thụ khó khăn, tình hình lạm phát ở các nước châu Âu… đặc biệt là những quy định khắt khe đối với thị trường EU đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ ở Gia Lai bị ảnh hưởng, buộc phải cắt giảm nhân công hoặc đóng cửa nhà máy.
Trước tình thế đó, Gia Lai đã và đang hoạch định chiến lược rõ ràng để ngành công nghiệp chế biến gỗ đứng vững.
Tận dụng lợi thế
Tỉnh Gia Lai hiện có gần 300 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, chủ yếu quy mô nhỏ. Hầu hết các cơ sở này hoạt động cưa xẻ gỗ nguyên liệu, băm dăm để cung cấp cho các đơn vị ngoài tỉnh chế biến, xuất khẩu. Với vùng nguyên liệu trên 150 nghìn ha rừng trồng và khoảng gần 90 nghìn ha cao su, Gia Lai được xem là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu lớn cho các đối tác sản xuất, chế biến gỗ.
Đặc biệt, từ tháng 12/2020, theo quy định mới của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản sẽ phải chứng minh xuất xứ hàng hoá; các sản phẩm nông lâm nghiệp có liên quan đến đất rừng cũng sẽ không còn cơ hội vào thị trường EU. Với việc có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ cùng những quy định mới của EU đã mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Gia Lai.
Ông Phan Đình Kế - Giám đốc Công ty TNHH Minh Dương Kon Tum (khu công nghiệp Diên Phú, thành phố Pleiku) chia sẻ: "Hiện chúng tôi đã xây dựng được nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là gỗ cao su của Binh đoàn 15 và Tổng công ty Cao su… Điều này là cơ sở tiền đề để tồn tại với ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay".
Bên cạnh sự tự lực của các doanh nghiệp sản xuất gỗ, tỉnh Gia Lai cũng đã hoạch định được chiến lược phát triển ngành công nghiệp gỗ của địa phương; trong đó, tỉnh đang tập trung tạo ra khung pháp lý để đảm bảo tính hợp pháp của mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản.
Đáng chú ý, Gia Lai đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021- 2030. Theo đó, hạn chế khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh rừng gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng.
Song song với việc xây dựng đề án dành riêng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, tỉnh Gia Lai cũng bố trí vốn ngân sách địa phương cho các hoạt động hỗ trợ trồng rừng sản xuất, cấp chứng chỉ rừng theo quy định về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng đó là giải pháp bảo đảm tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu trên địa bàn sang Liên minh châu Âu có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp, phù hợp với cam kết quản lý rừng bền vững.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tỉnh Gia Lai có những quy định đối với các dự án sản xuất gỗ viên nén phải đảm bảo nguồn gốc lâm sản như chứng minh rừng trồng hoặc các đơn vị cung ứng nhằm đảm bảo đúng cam kết… Triển khai mô hình liên kết, hợp tác trong trồng rừng, phát triển rừng giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ với hộ gia đình đã tạo điều kiện ổn định đời sống, tăng thu nhập; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho sản xuất, chế biến. Đây là một lợi thế lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo định hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Nỗ lực vượt khó
Dù thời điểm hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất gỗ ở Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang trải qua chuỗi khủng hoảng thị trường tiêu thụ. Theo số liệu từ Sở Công Thương, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ tinh chế trên địa bàn đã bắt đầu suy giảm trong khoảng 3 năm nay. Nếu năm 2019 đạt 7 triệu USD, năm 2020 đạt 7,5 triệu USD, thì đến năm 2021 chỉ đạt 4,3 triệu USD, năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu USD, và 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt 192.000 USD.
Để vượt qua khó khăn, vực dậy ngành công nghiệp chế biến gỗ, tỉnh Gia Lai đã xác định được chiến lược phát triển ngành gỗ rõ ràng và cụ thể; trong đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng cao.
Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ tham gia phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu ổn định, bền vững; trực tiếp tham gia trồng rừng gỗ lớn, chủ động về nguồn cung gỗ nguyên liệu, hình thành liên kết và mạng lưới chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng; đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ được sản xuất, chế biến, xuất khẩu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng hợp pháp, chứng chỉ bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), chứng nhận quản lý rừng bền vững, dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng (FM), chứng nhận gỗ có kiểm soát, dành cho các đơn vị quản lý rừng hay sản xuất, chế biến, mua bán các nguồn gỗ theo tiêu chuẩn (CW)...
Khi đã hoạch định được chiến lược phát triển ngành gỗ, tỉnh Gia Lai cũng đã xác định được các mục tiêu phải thực hiện; trong đó, tập trung bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75%, đến năm 2030 đạt 49,2% (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích).
Cùng đó, tỉnh triển khai có hiệu quả kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn theo Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh” đã phê duyệt; đảm bảo diện tích trồng rừng trung bình mỗi năm đạt 8 ngàn ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho ngành sản xuất và chế biến. Đối với giai đoạn 2021-2025, trồng rừng 40 ngàn ha (phòng hộ 1.033 ha, sản xuất 38.967 ha); trong đó ít nhất 10 ngàn ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15 ngàn ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 1 triệu m3, bình quân 150 ngàn m3-300 ngàn m3/năm. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 30 ngàn ha. Công suất chế biến đạt 450 ngàn m3/năm; trong đó, sản xuất ván nhân tạo 200 ngàn m3/năm, đồ gỗ nội địa đạt 150 ngàn m3 sản phẩm, đồ gỗ xuất khẩu đạt 100 ngàn m3 sản phẩm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 10,91%.
Bên cạnh đó, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả làm hạt nhân để phát triển sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng đạt ít nhất 60% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do uỷ ban nhân dân cấp xã hiện đang quản lý. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đến năm 2025, giá trị thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020.
Giai đoạn 2026- 2030, tỉnh tiếp tục trồng rừng mới và trồng rừng luân canh 40 ngàn ha; trong đó, ít nhất 15 ngàn ha rừng gỗ lớn, tiếp tục chuyển hóa 15 ngàn ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Sản lượng khai thác gỗ đạt trên 1,8 triệu m3, bình quân từ 250-400 ngàn m3/năm; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thêm 50 ngàn ha. Công suất chế biến đạt 750 ngàn m3/năm; trong đó, sản xuất ván nhân tạo đạt 350 ngàn m3/năm, đồ gỗ nội địa đạt 250 ngàn m3 sản phẩm, đồ gỗ xuất khẩu đạt 150 ngàn m3 sản phẩm.
Tỉnh tăng cường giao đất, giao rừng, cho thuê đất thuê rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt 100% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do uỷ ban nhân dân cấp xã hiện đang quản lý; tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đến năm 2030, thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng từ 2-3 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với năm 2020./.
Nhận xét
Đăng nhận xét