Hôm nay, 20/5, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973-21//5/2023). Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị tham dự sự kiện rất có ý nghĩa này.
Lễ kỷ niệm cũng được đón các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ NNPTNT, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo Cục Kiểm lâm qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan đơn vị, bộ ngành ở Trung ương và địa phương và các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) cho biết, cách đây 50 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân.
Trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, ban đầu lực lượng Kiểm lâm được thành lập tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phú, nhưng một năm sau đó đã được thành lập tại hầu hết các tỉnh miền Bắc.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, lực lượng kiểm lâm luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, lực lượng Kiểm lâm luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; trực tiếp là Bộ NNPTNT và chính quyền các cấp; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm, một trong những thành quả quan trọng trong 50 năm qua là lực lượng kiểm lâm đã chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu lực hiệu quả phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Hai là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản có nhiều tiến bộ. Vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng năm sau giảm so năm trước cả về số vụ vi phạm cũng như quy mô, tính chất, mức độ thiệt hại.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng kiểm lâm đã tích cực tham gia vào công tác quy hoạch, định hình lâm phần ổn định; tích cực, chủ động trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên.
"Nhờ nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng của lực lượng kiểm lâm, tỷ lệ che phủ rừng tăng đều qua từng năm và giữ vững ở mức 42% như hiện nay; diện tích rừng trồng trong nước đã đóng góp phần lớn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn của thế giới. Riêng năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt xấp xỉ 17 tỷ USD", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng sớm tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào quản lý, bảo vệ rừng. Ứng dụng công nghệ GIS, phần mềm trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến; ứng dụng công nghệ viễn thám phát hiện nhanh các điểm có nguy cơ giảm diện tích rừng; ứng dụng phần mềm SMART trong tuần tra bảo vệ rừng... Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý bảo vệ rừng.
Ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, trong 50 qua, lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh với 11.861 người, chất lượng công chức từng bước được nâng lên. Chế độ chính sách, trang bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục Kiểm lâm... được nhà nước quan tâm, tạo cho lực lượng kiểm lâm có vị thế pháp lý để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng dù vậy, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho rằng, nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ phát triển rừng của lực lượng kiểm lâm chưa bao giờ hết gian nan, vất vả. "Trong suốt 50 năm qua, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng luôn diễn ra cam go, phức tạp, có lúc có nơi trở thành "điểm nóng"; lâm tặc đã không từ một thủ đoạn nào để mua chuộc, kích động, chống đối, hành hung lực lượng kiểm lâm; đã có nhiều đồng chí phải đổ xương máu, hy sinh tính mạng của mình trước sự tấn công của lâm tặc. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, đã có 12 chiến sĩ kiểm lâm ra đi mai mãi, 452 chiến sĩ kiểm lâm mất một phần cơ thể, chịu thương tật vì giữ rừng", ông Chính nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, kiểm lâm là những người đang giữ màu xanh cho đất nước, cho thế hệ tương lai. Đây là lực lượng chủ lực và tiên phong cùng với lâm nghiệp để hiện thực hóa sinh thái rừng có giá trị cao hơn, giúp giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội.
Với niềm tự hào kế thừa lịch sử, truyền thống vẻ vang và tình yêu với rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hi vọng, mỗi cán bộ, công chức ngành kiểm lâm tiếp tục gắn bó, đoàn kết, tiếp nối khát vọng đổi mới sáng tạo để xây dựng lực lượng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vững vàng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị mỗi chiến sĩ kiểm lâm hãy giữ rừng bằng trái tim trong sáng, để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
Cũng nhân dịp này, Cục Kiểm lâm/lực lượng kiểm lâm đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét