(ĐTCK) Lạm phát kéo dài ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu khiến các doanh nghiệp ngành gỗ lâm vào tình cảnh thiếu đơn hàng, giảm giá bán để cạnh tranh.
Xuất khẩu giảm tốc, đơn hàng thiếu hụt
Mới đây, Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, với doanh thu hợp nhất 1.419 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 76,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 57% so với cùng kỳ 2022.
Giải trình về việc kết quả kinh doanh quý I giảm mạnh, Công ty cho biết, lạm phát tại châu Âu, Mỹ đã ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Sức cầu với sản phẩm gỗ ở trong nước cũng suy giảm nặng nề do thị trường bất động sản trầm lắng từ quý II/2022 đến nay.
Trước đó, trong thư ngỏ gửi cổ đông, ông Phan Quốc Hoài, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, ngay từ đầu năm, Phú Tài đã nhận định tình hình kinh doanh quý I và quý II có nhiều khó khăn do những tác động không thuận lợi của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới (lạm phát tăng cao, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraina).
Tương tự, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã chứng khoán GTA) cho biết, năm 2023 là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và Gỗ Thuận An nói riêng, tình trạng thiếu đơn hàng còn tiếp tục. Cũng vì vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ cạnh tranh để lấy đơn hàng bằng mọi giá, đẩy mặt bằng giá bán xuống thấp.
Lạm phát tăng cao trên thế giới khiến sức cầu tiêu dùng đối với sản phẩm gỗ nội thất giảm mạnh, một số đối tác tạm dừng lên đơn hàng, thậm chí không có kế hoạch nhập hàng do chưa dự đoán được tình hình thị trường. Điều này khiến bức tranh sản xuất – kinh doanh của ngành gỗ thời gian qua khá ảm đạm.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ. Đồ gỗ nội thất là mặt hàng chính trong cơ cấu nhóm sản phẩm gỗ xuất khẩu sụt giảm mạnh hơn, với giá trị xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2023, xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ đạt 1,45 tỷ USD, giảm 42,65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xoay xở gỡ khó
Năm nay, Công ty cổ phần Phú Tài đặt kế hoạch doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm ngoái, song mục tiêu lợi nhuận lại giảm 19%, với 500 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh quý II/2023, với doanh thu hợp nhất đạt 1.582 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 3.037 tỷ đồng, bằng 83% cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 181 tỷ đồng, bằng 41% cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm đề ra, dự kiến, 6 tháng đầu năm, Công ty thực hiện 43% mục tiêu doanh thu và 36% mục tiêu lợi nhuận. Trọng tâm kinh doanh của Công ty sẽ đặt vào cuối năm.
Phó tổng giám đốc Phan Quốc Hoài kỳ vọng tình hình kinh doanh của Công ty sẽ cải thiện về cuối năm. Dự kiến, trong tháng 6 tới, Nhà máy đá thạch anh tại Đồng Nai giai đoạn 2, do Phú Tài đầu tư, sẽ đi vào khai thác, tạo đà tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cho Công ty.
Cùng với kỳ vọng thị trường “dễ thở” hơn về cuối năm, Phú Tài đã chủ động cắt giảm chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Công ty cho biết sẽ giảm chi phí đầu tư bình quân hàng năm khoảng 200 tỷ đồng, giảm 20 - 25% nguồn vốn kinh doanh (tương đương 1.000 tỷ đồng), tương ứng giảm 60 - 70 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, mục tiêu tổng doanh thu năm nay là 332 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 8,4 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 26% và gần 19% so với mức thực hiện năm ngoái. Công ty cho biết đang tập trung tìm kiếm đơn hàng, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá bán để có đơn hàng mới, có việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty cũng kiểm soát chặt chẽ mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh là cơ sở để phát triển khách hàng mới, đơn hàng mới.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) lại “ngược dòng” với việc đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với thực hiện của năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 1.229 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, tình trạng thiếu đơn hàng được dự báo có thể vẫn kéo dài, nhà đầu tư nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này. Nhất là TTF có “truyền thống” đặt kế hoạch không sát với thực tế. Năm 2022, TTF đặt kế hoạch lãi sau thuế 72,76 tỷ đồng, nhưng kết quả lại là số lỗ “khủng”.
Theo TTF, năm nay, Công ty sẽ tiếp tục giữ khách hàng truyền thống, phát triển khách hàng tiềm năng và không ngừng cải thiện mẫu mã sản phẩm. Chủ động tìm kiếm khách hàng, đơn hàng có giá trị kinh tế cao, tìm đơn hàng bằng nhiều kênh để đảm bảo thực hiện kế hoạch kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động. Với mảng dự án, bên cạnh việc tiếp tục phát triển dự án cho các nhà bất động sản hàng đầu Việt Nam như
Vingroup, Hưng Thịnh, Công ty đã hợp tác với các nhà phát triển bất động sản nước ngoài như Capital Land, Gamuda, Tavistock… Với mảng xuất khẩu, TTF sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel, William Sonoma… ở nhiều ngành hàng để tăng doanh thu, giá trị đơn hàng để từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công ty cũng chủ động các giải pháp phòng ngừa nếu thị trường Mỹ áp dụng chính sách thuế phòng vệ thương mại trong tương lai.
Khi thị trường Mỹ vẫn đối mặt với khó khăn bởi sức cầu giảm, các doanh nghiệp gỗ chủ động mở rộng thị trường mới như châu Phi, châu Úc. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Các doanh nghiệp ngành này nhận định, thị trường châu Âu vẫn là thị trường tiềm năng.
Về giải pháp trung và dài hạn, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, để tìm thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh với giá sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp với thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.
Nhận xét
Đăng nhận xét