Gia Lai: Nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc hàng loạt, một người phải “gánh trên vai” hơn 3.000 ha rừng
(CLO) Công việc áp lực, vất vả, trách nhiệm lớn nhưng mức lương thấp khiến hàng loạt nhân viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (Gia Lai) liên tục xin nghỉ việc. Việc giữ rừng càng trở nên khó khăn đối với những người ở lại, bởi mỗi người phải “gánh trên vai” thêm vài nghìn ha rừng.
Một người quản lý, bảo vệ hơn 3.000 ha rừng
Chịu áp lực công việc lớn lại công tác trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm trong khi đồng lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đã khiến nhiều nhân viên, cán bộ bảo vệ rừng ở Gia Lai đồng loạt xin nghỉ việc. Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê là một trong những đơn vị nằm ở tóp đầu có số lượng nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc.
Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê được giao quản lý và bảo vệ hơn 10.300 ha rừng nằm trải dài trên 4 huyện, thị gồm: Thị xã An Khê, huyện Mang Yang, Kbang và Đăk Pơ. Ban được giao tổng biên chế là 15 người, nhưng hiện tại chỉ có 9 người, như vậy đơn vị thiếu đến 6 viên chức chuyên trách bảo vệ rừng.
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hải – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê chia sẻ: “Chỉ trong chưa đầy một năm đơn vị đã có đến 6 người xin nghỉ việc và chuyển công tác. Tình trạng này xảy ra một phần là do tiền lương thấp, chế độ phụ cấp chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu cho anh em, trong khi áp lực công việc nặng nề. Bên cạnh đó, một số viên chức chuyên trách bảo vệ rừng dù rất tâm huyết với ngành lâm nghiệp, tuy nhiên do hoàn cảnh đi làm xa nhà, xa vợ con nên họ đã xin nghỉ việc hoặc tự động bỏ việc”.
Cũng theo ông Hải, mặc dù tổng diện tích rừng phải quản lý và bảo vệ lên đến hơn 10.300 ha, thế nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê chỉ có 3 viên chức chuyên trách bảo vệ rừng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người phải kiêm nhiệm quản lý, bảo vệ trên 3.000ha rừng.
Anh Hồ Vĩnh Tường (SN 1990) nhân viên quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê trải lòng: “Ngày trước mỗi anh em chúng tôi quản lý một tiểu khu vốn đã vất vả bởi địa hình đồi núi dốc, lại cộng thêm thời tiết khắc nghiệt. Nay con số đã tăng gấp 3, mỗi người phải "gánh trên vai" hơn 3.000ha rừng, tương đương với ba tiểu khu. Diện tích lớn, lực lượng mỏng nên hầu như ngày nào cũng phải đi tuần tra, thậm chí vào những dịp cao điểm như mùa nắng nóng anh em còn phải túc trực ở rừng cả ngày lẫn đêm. Ngày đêm ở rừng, tất cả mọi việc cho đến con cái đều một mình vợ quán xuyến. Công việc áp lực, tuy nhiên đồng lương ít ỏi, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến nhiều anh em không thể trụ lại đành xin nghỉ việc, bỏ việc”.
Trong 3 viên chức chuyên trách bảo vệ rừng còn sót lại ở Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, anh Hồ Vĩnh Tường là người có số tiền lương và thưởng lớn nhất với 4,4 triệu đồng/tháng. Hai người còn lại tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, trong khi 1 tháng đã mất 1 triệu tiền xăng xe.
“Địa hình phức tạp lại giáp ranh với nhiều huyện nên quá trình tuần tra, bảo vệ rừng cũng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều lần 3 anh em cũng có ý định xin nghỉ việc, tuy nhiên vì niềm đam mê, trách nhiệm với nghề nên anh em chỉ biết động viên nhau cố gắng. Chỉ mong nhà nước sớm có những chế độ, chính sách quan tâm đến đời sống của nhân viên quản lý bảo vệ rừng. Ngoài lương, lực lượng bảo vệ rừng như chúng tôi cũng cần có thêm những khoản hỗ trợ nhằm trang trải các chi phí…”, anh Tường kỳ vọng.
Cần sớm có chính sách hỗ trợ
Là lực lượng nòng cốt, ngày đêm bám rừng, ăn ngủ với rừng, làm nhiệm vụ tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, tuy nhiên thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách lại quá thấp, không thể đáp ứng nhu cầu và công sức họ bỏ ra. Bên cạnh đó, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng còn thường xuyên phải đối mặt với nhiều “lâm tặc” manh động nên phần lớn các ban quản lý rừng khó thu hút và kiếm người giữ rừng lâu dài.
Theo ông Lê Thái Hùng – Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, việc thiếu hụt lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khiến ban vấp phải rất nhiều khó khăn và áp lực, đặc biệt mùa này là công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, việc thiếu lực lượng bảo vệ rừng khiến những anh em trong ban phải “gánh” thêm hàng nghìn ha rừng. Điều này gây nên áp lực trong việc quản lý phát lấn rừng làm nương rẫy hay việc “lâm tặc” lén lút vào rừng khai thác gỗ để làm nhà, đồ gia dụng…
“Chưa hết, thiếu hụt lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách khiến công tác tuyên truyền bảo vệ rừng tại các thôn làng gặp nhiều khó khăn, người dân không tham gia và không phối hợp. Công tác vận động kê khai trồng rừng cũng còn nhiều bất cập khi hiện tại chỉ còn 3 viên chức chuyên trách bảo vệ rừng, ông Hùng cho biết thêm.
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê đã đề xuất ký hợp đồng bảo vệ rừng trong chỉ tiêu còn thiếu 6 người thực hiện bảo vệ rừng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng cho đến khi được Sở NN&PT Nông thôn tỉnh Gia Lai tuyển dụng bổ sung đủ lực lượng bảo vệ rừng.
“Trước những khó khăn, vất vả mà các anh em phải đương đầu, các Sở, ngành cũng đã có đề xuất với UBND tỉnh về chế độ tiền lương và các chế độ đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Cụ thể, ưu đãi về phụ cấp đặc thù 20% trên hệ số lương cộng thêm phụ cấp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Ban cũng kiến nghị Sở quan tâm sớm tuyển dụng 6 viên chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê”, ông Hải nói.
Bài và ảnh: Trần Hiền
Nhận xét
Đăng nhận xét