(Baohatinh.vn) - Trong thời gian ngắn, trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) liên tiếp xảy ra 2 vụ chặt phá rừng để lấy gỗ và lấn chiếm diện tích trồng keo. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang, dẫn tới việc này có nguyên nhân chủ quan từ các địa phương, chủ rừng.
Ngày 24/4/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Cương (thôn 1, xã Quang Thọ) vì hành vi chặt phá rừng để lấn chiếm diện tích trồng keo với số tiền 5 triệu đồng và buộc phải trồng lại rừng trên diện tích đã chặt phá.
Theo biên bản làm việc, bà Cương có hành vi chặt phá rừng sản xuất khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng tại lô 1, khoảnh 8A thuộc tiểu khu 159 của xã Quang Thọ, với diện tích chặt phá là 2.940 m2. Diện tích này hiện do Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh quản lý.
Sự việc trên diễn ra chưa lâu thì mới đây (5/5/2023), tại các lô 8, 9, 10 thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 160 (diện tích rừng sản xuất khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng), lâm phần do UBND xã Quang Thọ quản lý tiếp tục xảy ra phá rừng, đốt thực bì để lấn chiếm diện tích trồng keo và lấy gỗ.
Điều đáng nói, số lượng chặt phá cũng như diện tích lấn chiếm lần này tương đối lớn và diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đến khi rừng đã bị chặt phá, các cấp, ngành ở địa phương mới vào cuộc điều tra, xác minh thì mọi việc dường như đã muộn. Bởi trên thực tế, việc phá hàng nghìn m2 đất rừng để trồng keo không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà phải mất một thời gian khá dài.
Theo quan sát, tại khu vực rừng này, nhiều gốc gỗ dấu cưa còn rất mới, có một số gốc đường kính từ 14 - 35 cm, còn lại phần lớn là gỗ tạp và cây bụi đã được phát quang, đốt cháy. Tất cả phần thân của những cây gỗ lớn đã được vận chuyển ra khỏi khu vực rừng.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho hay: "Vùng rừng bị chặt phá, xâm lấn cách xa khu dân cư khoảng 5 km. Qua xác minh ban đầu, diện tích rừng bị chặt phá nói trên (các lô 8, 9, 10, khoảnh 5, Tiểu khu 160), thuộc rừng giao khoán cho 11 hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ. Loại gỗ bị đốn hạ thuộc nhóm 4 đến nhóm 8, với tổng diện tích chặt phá trải dài lên đến 7.670 m2".
Cũng theo ông Cường, ngay sau khi nắm bắt thông tin, địa phương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vũ Quang và các lực lượng tiến hành khám xét hiện trường, đo đếm số gốc gỗ và diện tích rừng bị chặt phá; đồng thời, tiến hành “truy vết” đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang cho hay, qua kiểm đếm, tổ công tác xác định có tổng 36 gốc gỗ bị chặt hạ, đường kính từ 14 - 35 cm; phần thân cây đã được tẩu tán... Bên cạnh các yếu tố khách quan như diện tích rừng rộng, địa hình chia cắt, phức tạp, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng mỏng thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan từ các địa phương, chủ rừng.
“Các chủ rừng là hộ gia đình được giao đất, giao rừng chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người được giao đất, giao rừng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; thiếu kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời để xử lý khi vụ việc mới phát hiện. Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý sớm nhất, với quan điểm đúng người, đúng tội và rõ trách nhiệm.
Để bảo vệ tốt các diện tích rừng hiện có, thời gian tới, đơn vị sẽ xử lý nghiêm với chủ rừng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Đồng thời, thực hiện việc cắm chốt, lập chốt, thành lập các tổ tuần tra và thực hiện chặt chẽ các quy chế phối hợp tuần tra kiểm soát để làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa bàn các xã đảm bảo đúng quy định pháp luật; không để phát sinh vi phạm với mục tiêu phải bảo vệ số diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có, nhất là diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn” - ông Dũng nói thêm.
Toàn huyện Vũ Quang hiện có gần 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó: đất rừng đặc dụng là 31.920 ha, đất rừng phòng hộ là 4.188 ha và đất rừng sản xuất là 13.850 ha; phân bố đều trên 10 xã, thị trấn nhưng tập trung chủ yếu tại các xã: Quang Thọ, Hương Minh, Thọ Điền. |
Nhận xét
Đăng nhận xét