Khi hàng xuất khẩu phải chứng minh không dính líu phá rừng
Mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu các mặt hàng vào thị trường EU nếu có liên quan hoạt động phá rừng.
Tổ tuần rừng Thẳm Mu, xã Văn Lang, huyện Na Rì, Bắc Kạn, cùng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Tuấn Sơn) |
Sức ép bảo vệ và phát triển rừng bền vững càng ngày càng mạnh khi đạo luật mới buộc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu phải cung cấp báo cáo thẩm định và những thông tin có thể kiểm chứng, chứng minh các mặt hàng không có nguồn gốc từ đất rừng bị tàn phá, nếu vi phạm sẽ đối diện với những án phạt nặng.
Sự khắt khe trong quan điểm lập pháp của châu Âu là nhằm hướng đến mục tiêu loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng các mặt hàng được bán tại thị trường này.
Tuy nhiên, đạo luật mới này phải nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia EU trước khi chính thức có hiệu lực. Sau khi EU chấp thuận, các công ty sẽ có thời hạn từ 18 đến 24 tháng để thực hiện các quy định. Những trường hợp vi phạm có thể bị phạt 4% doanh thu tại một quốc gia thành viên EU. Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, quy định và thời hạn nêu trên là vô cùng quan trọng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.
Việc mở rộng diện tích đất nhằm phát triển nông nghiệp hiện nay trên thế giới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất rừng, thu hẹp diện tích đất rừng. Trong bối cảnh đó, hơn 140 quốc gia (chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu) đã ký Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030; đồng thời mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong hoạt động nông nghiệp.
Do vậy, sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng.
Nước ta đang thực hiện Hiệp định thương mại với EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, trong đó, có quy định về phát triển bền vững ngành gỗ.
Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam xuất khẩu vào EU. Hiệp định VPA/FLEGT cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng.
Đây là cơ sở quan trọng không chỉ của ngành gỗ Việt Nam mà cả các ngành xuất khẩu nông sản liên quan khác (như cao-su, cà-phê, tiêu, điều…) cũng phải áp dụng và tuân thủ.
Ngay từ lúc này, theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam và các nước xuất khẩu vào EU cần có hệ thống theo dõi để bảo đảm sản phẩm nông sản được sản xuất không liên quan đến việc để mất rừng trong chuỗi cung ứng.
Theo đó, để đáp ứng các yêu cầu của EU, các cơ quan liên quan cần rà soát hệ thống chính sách hiện có để kết nối được với các quy định nêu trên như thế nào, từ đó hướng tới những thay đổi trực tiếp nhằm chuyển đổi sáng tạo, phù hợp cam kết quốc tế.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam và các nước xuất khẩu vào EU cần có hệ thống theo dõi để bảo đảm sản phẩm nông sản được sản xuất không liên quan đến việc để mất rừng trong chuỗi cung ứng.
Hơn bao giờ hết, các bên liên quan như người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước liên quan cần nâng cao vai trò trong việc định hình thị trường tiêu dùng có trách nhiệm, từ đó sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng, sản xuất và thương mại bền vững không tác động đến môi trường rừng.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, cùng với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, cần bổ sung, hoàn thiện một cách đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp; đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch nông nghiệp, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.
Hoàn thành công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; có cơ chế, chính sách đột phá để phát triển kinh tế rừng. Bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện việc đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu...
Nhận xét
Đăng nhận xét