Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tự ý đưa thêm 84 m3 gỗ lậu vào gỗ tang vật của các vụ án để vận chuyển mà không báo cáo cho các cấp có thẩm quyền.
Ngày 10-5, ông A Hơn - Bí thư Huyện ủy Đăk Tô, tỉnh Kon Tum - cho biết đã có kết quả xác minh thông tin Báo Người Lao Động phản ánh qua bài viết "Vướng quy định, gỗ quý tiền tỉ phơi sương" (Báo Người Lao Động ngày 6-5).
Theo ông Hơn, sau khi nhận được thông tin đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô tiến hành kiểm tra, xác minh. Kết quả xác định tại bãi tập kết gỗ thuộc tiểu khu 278, lâm phần Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô) quản lý có 24 lóng gỗ tròn với tổng khối lượng hơn 84 m3, chủng loại gỗ cáng lò, dổi. Đây là số gỗ trong vụ việc vận chuyển gỗ của Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô do Cơ quan CSĐT - Công an huyện Đăk Tô tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm từ tháng 2-2018.
Hàng chục m3 gỗ đang nằm chờ mục ruỗng trong khi các cơ quan vẫn chưa tìm ra cách xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ cuối năm 2017, Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô được giao thu gom, vận chuyển 415 m3 gỗ tang vật vi phạm của các vụ việc từ giai đoạn 2010 - 2013 để xử lý. Trong quá trình thực hiện, Công ty Lâm nghiệp này đã đưa trên 84 m3 gỗ (gỗ cáng lò, dổi) không có trong phương án đã được phê duyệt và hồ sơ của các vụ việc. Việc đưa thêm 84 m3 gỗ này vào cùng với số gỗ tang vật đã được phê duyệt trước đó do đơn vị này tự ý thực hiện, không báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương biết, theo dõi.
Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Kon Tum xác định số gỗ trên 84 m3 này được kéo từ 12 gốc gỗ bị khai thác trái phép tại tiểu khu 274, 275 lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý. Số gỗ trên vượt mức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Do đó, Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum giao UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền điều tra theo quy định pháp luật.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô, cho rằng số gỗ này do đã bị khai thác từ năm 2011, nhưng đến năm 2018 mới được đưa về nên một số cây bị mục, hư hỏng nên không xác định được. Do đó, phải đưa về hết rồi mới truy xuất nguồn gốc. Trong quá trình truy xuất thì cơ quan công an vào làm việc. Ban đầu số gỗ là 84 m3, nhưng khi trừ khuyết tật thì còn gần 77 m3.
Tại văn bản gửi UBND huyện, Công an huyện Đăk Tô cho rằng quá trình kiểm tra, xác minh, cơ quan điều tra không có đủ chứng cứ chứng minh các hành vi phạm tội và hành vi vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức trong vụ việc. Do đó đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên. Số gỗ trong vụ việc không được xem là vật chứng vụ án hay tang vật nên không thuộc quyền giải quyết của cơ quan điều tra.
Theo ông Dương Văn Trị, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô, sau khi Công an và VKSND huyện Đăk Tô thống nhất không khởi tố vụ án, toàn bộ số gỗ đã được bàn giao về cho Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô trông coi, xử lý. Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô cũng đã nhiều lần đề nghị tiêu thụ số gỗ trên và các ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm biện pháp xử lý nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.
Nhận xét
Đăng nhận xét