Kiên Giang ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại tài nguyên rừng
Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã lập biên bản xử lý 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, chuyển cơ quan điều tra, xử lý 3 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 170 triệu đồng.
Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm lâm luật, xâm hại tài nguyên rừng.
Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang phối hợp với các Ban Quản lý rừng, chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với hơn 300 lượt người trên các lâm phần tham dự.
Qua đó, truyền đạt đến cư dân những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp, vai trò quan trọng của rừng đối với đời sống kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện nghiệm quy định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiếp đến, các lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức hơn 230 cuộc tuần tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, với các hành vi như khai thác rừng trái pháp luật, phá rừng trái phép, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật...
Diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng khoảng 14.258 m² rừng phòng hộ và đặc dụng. Ngành chức năng xử phạt vi phạm hành chính 24 vụ, chuyển cơ quan điều tra, xử lý 3 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 170 triệu đồng.
[Lâm Đồng: Tạm giữ 6 đối tượng hủy hoại gần 1 ha rừng tự nhiên]
Trong một diễn biến khác, Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, quý I/2023 đã tiếp nhận 4 loài động vật hoang dã từ các hộ dân tự nguyện giao nộp, với 4 cá thể gồm khỉ đuôi dài, mèo rừng, trăn đất, cá sấu nước ngọt. Những cá thể này đang được chăm sóc, cứu hộ tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me (Hòn Đất-Kiên Giang).
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang phối hợp với 2 Vườn quốc gia là Phú Quốc và U Minh Thượng thả 9 loài, với 44 cá thể động vật hoang dã sau chăm sóc, cứu hộ về môi trường rừng tự nhiên, gồm khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, rùa răng, rùa đất lớn, rùa núi vàng, mèo rừng, kỳ đà hoa, trăn đất, trăn gấm.
Theo ngành chức năng tỉnh, mặc dù việc tuyên truyền về bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên, nhận thức của người dân đã được nâng lên nhưng do tác động của đời sống kinh tế, xã hội nên vẫn còn những đối tượng có hành vi tác động tiêu cực vào rừng như phá rừng, lấn chiếm, sử dụng, sang bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép, săn bắt động vật rừng thu lợi bất chính, nhất là trên đảo Phú Quốc.
Mặt khác, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp của một số đơn vị, chủ rừng không được thực hiện đầy đủ hoặc thiếu nguồn lực, không đủ lực lượng, trang thiết bị để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên lâm phần, nhất là các khu vực trọng điểm, chậm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, xâm hại tài nguyên rừng.
Trong thời gian tới, theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích, mua bán đất rừng trái pháp luật vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Hơn nữa, việc quản lý bảo vệ rừng ở các xã đảo, nhất là những xã đảo quy hoạch phát triển du lịch sẽ diễn biến phức tạp. Rừng phòng hộ ven biển nguy cơ bị sạt lở do sóng biển và một bộ phận người dân phá rừng mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản sẽ làm giảm diện tích và tác động bất lợi đến chất lượng rừng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Các Hạt Kiểm lâm duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp với lực lượng công an, quân đội trong bảo vệ rừng trên địa bàn.
Cùng đó, các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét chống chặt phá, khai thác rừng trái phép, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại tài nguyên rừng, nhất là trên đảo Phú Quốc.
Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ.
Kiên Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 80.000ha, chiếm 12,58% diện tích tự nhiên của tỉnh với diện tích đất có rừng hơn 76.900ha; trong đó, rừng đặc dụng gần 40.000ha, rừng phòng hộ hơn 32.000ha, còn lại là rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng đạt 12% so với tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp này, tỉnh giao cho 2 Vườn Quốc gia là U Minh Thượng và Phú Quốc, 2 Ban quản lý rừng, một số đơn vị, công ty, tổ chức và hộ gia đình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Đặc biệt, tỉnh phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ và các đơn vị chủ rừng, xây dựng đề cương rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn đến năm 2030; tiến hành xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đến nay, tỉnh đã giao khoán hơn 7.600ha, trong đó, khoán bảo vệ 5.100ha, rừng phòng hộ 2.500ha cho các tổ chức và cá nhân quản lý, bảo vệ phát triển, làm giàu tài nguyên rừng, trồng rừng nguyên liệu, sản xuất lâm-ngư kết hợp dưới tán rừng./.
Nhận xét
Đăng nhận xét