Vụ việc khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên trên núi Giăng Màn mới nhất được tổ công tác của Trạm Kiểm lâm địa bàn Thanh Thủy (Hạt Kiểm lâm Thanh Chương) phối hợp UBND xã Thanh Hà phát hiện ngày 18/4/2023, tại lô 42, thửa 201, khoảnh 6, tiểu khu 1004E, tờ bản đồ số 2, xã Thanh Mai (giáp ranh với vùng rừng do UBND xã Thanh Hà quản lý).
Tại thời điểm kiểm tra, trên khu vực rừng tự nhiên bị khai thác trái phép này có 30 khúc gỗ tròn các loại (chủ yếu là nhóm VI đến nhóm VIII), với tổng khối lượng là hơn 3,2 m3. Kiểm tra toàn bộ hiện trường và vùng lân cận, phát hiện trên diện tích rừng bị khai thác trái pháp luật khoảng 2.300 m3, có 29 gốc cây gỗ đã bị cưa sát gốc (đường kính 18 – 36 cm).
Về việc phát hiện, bắt giữ “lâm tặc”, theo lực lượng kiểm tra kể lại, ở thời điểm chuẩn bị đo đếm xử lý vụ việc, lực lượng kiểm tra nhận được nguồn tin báo ở khu vực Rú Đô (xã Thanh Hà) đang có người đưa trâu ngược rừng. Nhận định có thể đối tượng khai thác trái phép lâm sản, đưa trâu vào lấy gỗ, tổ kiểm tra lập tức bố trí nhân lực tổ chức truy lùng, lần theo vết trâu kéo gỗ, đã phát hiện, bắt giữ được đối tượng cùng với tang vật là 5 khúc gỗ đã kết thành một dây với phương tiện chuyển gỗ là 1 con trâu kéo. Đối tượng khai nhận tên là H.V.V, trú tại thôn 3, xã Thanh Hà.
Dù H.V.V bị bắt quả tang khai thác trái phép lâm sản, nhưng theo tổ công tác, đối tượng này tỏ ra thiếu thành khẩn, gây khó khăn trong công tác điều tra. Cho đến nay, đã qua 3 lần làm việc lấy lời khai nhưng H.V.V chỉ nhận đã hạ 7 cây gỗ, cắt thành 13 khúc, trong khi tại hiện trường có 30 khúc gỗ với 29 cây gỗ bị đốn hạ.
Xem biên bản làm việc lập ngày 20/4, đối tượng H.V.V khai: “Vào ngày 15/4/2023, tôi một mình vào khu vực rú Đô, xã Thanh Hà (Thanh Chương) để khai thác gỗ. Việc khai thác gỗ diễn ra trong vòng 1 ngày, đã cắt 7 cây gỗ là gỗ vạng, trầu bằng cưa xăng, sau đó cắt thành từng khúc dài từ 2 – 3m, tổng số được 13 khúc. Đến ngày 18/4/2023, trong quá trình đang kết gỗ để cho trâu kéo về thì bị tổ kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Thanh Chương và UBND xã Thanh Hà phát hiện”. Bên cạnh đó, H.V.V còn khai, vào ngày 5/4/2023, H.V.V có gặp một người tên N. ở xã Thanh Mai để hỏi khi làm đường chở keo, xung quanh khu vực đó có gỗ không, thì được anh N. trả lời là chỉ có cây gỗ nhỏ. Sau đó H.V.V lên xem để cắt mấy khúc về làm nhà chứa rơm.
Ngày 24/4, UBND huyện Thanh Chương thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành với thành phần gồm Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Phòng TN&MT, UBND hai xã Thanh Mai, Thanh Hà để xác minh, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp tại khu vực Giăng Màn. Đến ngày 26/4/2023, H.V.V tiếp tục được triệu tập lên lấy lời khai. Ở lần này, H.V.V khai chi tiết hơn. Cụ thể, đối tượng đã mượn cưa xăng của ông T.V.H (trú cùng thôn 3, xã Thanh Hà) để lên khu vực rú Đô khai thác gỗ. Thời gian khai thác là vào ngày 14/4 (không phải ngày 15/4 như biên bản lời khai vào ngày 20/4). Việc đối tượng H.V.V đi khai thác gỗ, ngoài ông T.V.H còn có vợ biết. Ban đầu H.V.V dự tính sẽ lên khu vực đỉnh Giăng Màn để khai thác, nhưng trên đường đi đến rú Đô, thì thấy cây gỗ ở hai bên đường nên đã cắt hạ…
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bùi Anh Tuấn – Trưởng đoàn liên ngành trao đổi: “Do đối tượng H.V.V chỉ khai nhận mình chặt 7 cây gỗ, cắt được 13 khúc, trong khi đó, tại hiện trường đã phát hiện có 30 khúc gỗ tròn các loại cùng 29 cây gỗ bị cắt sát gốc, vì vậy, các cơ quan chức năng huyện Thanh Chương tiếp tục điều tra làm rõ…”.
Đến khu vực núi Giăng Màn để nắm rõ hiện trạng vụ việc khai thác trái phép lâm sản được phát hiện ngày 18/4, bất ngờ khi biết vùng rừng này thuộc quyền quản lý của người đã xây dựng trái phép “biệt phủ” trên đất lâm nghiệp ở xã Thanh Mai, là ông Cao Trọng Hồng (SN 1965) trú tại tổ 2, khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa.
Về “biệt phủ” xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, được ông Cao Trọng Hồng thực hiện từ năm 2017, và “được” báo chí quan tâm phản ánh từ năm 2019 – 2020. Sau đó, UBND huyện Thanh Chương đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Cao Trọng Hồng, và buộc phải khôi phục hiện trạng của đất trước khi vi phạm. Cụ thể là phải tháo dỡ, giải tỏa toàn bộ công trình nhà ở, chuồng trại chăn nuôi gia súc đã xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng đất rừng sản xuất tại thửa đất số 523, tờ bản đồ số 2 bản đồ lâm nghiệp, thuộc khu vực rừng khe Nái, xóm Trung Sơn, xã Thanh Mai. Tuy nhiên đến thời điểm này, công trình đó vẫn nguyên hiện trạng.
Về vị trí rừng tự nhiên bị đối tượng H.V.V khai thác trái phép được phát hiện ngày 18/4, là tại đỉnh của ngọn đồi ngay sau “biệt phủ”, với khoảng 2 giờ đồng hồ ngược dốc. Đúng tại khu vực “biệt phủ”, các cán bộ Hạt Kiểm lâm Thanh Chương và UBND xã Thanh Mai cho biết, ở mái rừng này, vào năm 2022 từng xảy ra vụ phá rừng. Như ông Phan Văn Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Chương cho biết thì: “Vụ việc xảy ra đầu năm 2022, thời điểm này tôi chưa được điều chuyển về Hạt Kiểm lâm Thanh Chương. Nhưng như tôi được biết thì diện tích bị phá cũng khá lớn, dù không phát hiện được đối tượng vi phạm nhưng Đội Kiểm lâm cơ động số 2 và Hạt Kiểm lâm Thanh Chương có thu hồi được một số lượng gỗ…”.
Tìm hiểu, vụ phá rừng này được Hạt Kiểm lâm Thanh Chương cùng UBND xã Thanh Mai phát hiện ngày 18/3/2022. Qua kiểm tra, tại các lô 41, 42 thửa 201, khoảnh 6, tiểu khu 1.004E, tờ bản đồ số 2, xã Thanh Mai có một diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá trái phép và đào bới san ủi tạo thành đường. Trên hiện trường, rừng chỉ còn một số gốc, cành, ngọn nằm rải rác. Đo đếm diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị tác động là 16.740 m2; khu vực bị đào bới, san ủi tạo thành đường có chiều dài 292 m, chiều rộng khoảng 3 m…
Một cán bộ UBND xã Thanh Mai cho biết, năm 2017, ông Cao Trọng Hồng được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích trên 24ha. Nhưng thực tế, số diện tích đất lâm nghiệp ông này đã nhận chuyển nhượng từ người dân trên địa bàn khoảng trên 28ha, trong đó, hơn một nửa diện tích có rừng tự nhiên. Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, ông Hà Quang Thắng xác nhận thông tin này, và cho biết, chính quyền xã cũng như kiểm lâm địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu vực này. Lý do vì ông Cao Trọng Hồng là chủ rừng, nhưng hoàn toàn bỏ bê trách nhiệm quản lý theo quy định. “Từ sau vụ xây dựng “biệt phủ” trái phép trên đất lâm nghiệp thì ông ta giao cho người khác quản lý chứ không thấy xuất hiện. Những năm qua, để giải quyết công việc, xã Thanh Mai đã 2 lần gửi giấy mời nhưng ông cũng không đến. Xã liên hệ qua điện thoại thì ông ta trả lời tùy xã với huyện thích làm gì thì làm…” – ông Hà Quang Thắng cho biết.
Hỏi Chủ tịch UBND xã Thanh Mai: Trước thực tế vùng rừng núi Giăng Màn vẫn bị tác động xấu, xã Thanh Mai sẽ có giải pháp gì? Ông Hà Quang Thắng trả lời: “Sau khi Đoàn liên ngành điều tra làm rõ, báo cáo vụ việc phá rừng phát hiện ngày 18/4, UBND xã Thanh Mai cũng sẽ có báo cáo tình hình thực tế, kiến nghị UBND huyện xem xét thu hồi phạm vi đất và rừng tự nhiên đã cấp Giấy CNQSD đất cho ông Cao Trọng Hồng…”.
Nhận xét
Đăng nhận xét