Quần thể rừng gỗ trắc quý hiếm có giá trị cao còn sót lại duy nhất ở khu vực Tây Nguyên. Để tránh sự dòm ngó, triệt hạ của “lâm tặc”, các lực lượng bảo vệ rừng phân chia nhau ngày đêm canh giữ.
Rừng gỗ trắc nằm trong diện tích rừng đặc dụng Đăk Uy, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum với hàng trăm cây lớn nhỏ, nhiều năm tuổi, có giá trị kinh tế cao.
Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy có 40 cán bộ, công nhân viên, bình quân mỗi người bảo vệ hơn 10ha rừng. Chủ rừng dựng tổng cộng 26 lán trại trong rừng để bảo vệ, ngay cả những cây trắc bị ngã đổ, chết khô cũng có lán trại cạnh bên.
“Các gốc gỗ trắc còn sót lại hay cây khô ngã đổ cũng có giá trị cao, được lâm tặc săn lùng, tìm cách đưa ra khỏi rừng. Vì thế, nhân viên bảo vệ rừng phải quản lý nghiêm ngặt 24/24 các đường mòn, lối mở ra vào rừng”, một bảo vệ rừng cho biết.
Với một số cây gỗ trắc, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy dùng kẽm gai quấn quanh cây, lắp đặt hệ thống điện hỗ trợ để bảo vệ cây về ban đêm.
Một bức tường rào dài 13km, cao 2m được xây dựng, bên trên có hệ thống lưới kẽm gai cùng hệ thống camera giám sát. Ngành lâm nghiệp huy động lực lượng bảo vệ rừng từ các Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng và lực lượng địa phương để bảo vệ, biến rừng đặc dụng Đăk Uy thành nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, hiện thống kê có 61 cây trắc chết đứng và bị ngã đổ cùng 100 gốc trắc cũ nhưng không thể khai thác, tận thu do quy định của Luật lâm nghiệp.
Mùa mưa bão năm 2016, 2107 đã khiến nhiều cây gỗ trắc trong rừng đặc dụng bị ngã đổ. Năm 2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã tự ý cắt khúc 2,274m3 gỗ trắc đưa vào kho bảo quản.
Tuy nhiên, việc tự ý khai thác cây này được xác định là không đúng với quy định của luật và hiện tỉnh Kon Tum cũng chưa có phương án xử lý số gỗ nói trên.
Nhận xét
Đăng nhận xét