Phát triển bền vững là con đường tất yếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đó là chia sẻ của ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG.
Quản lý rừng bền vững để đón đầu thị trường
Xanh - sạch - đẹp: Tốt môi trường, giảm chi phí
‘Mua láng giềng gần’ để phát triển bền vững
Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chứng nhận doanh nghiệp bền vững
Thưa ông, lý do nào đã thúc đẩy Tập đoàn đi vào phát triển bền vững?
Trong những năm trở lại đây, phát triển bền vững đã được nhận thức là con đường tất yếu của nhân loại, của Việt Nam nói chung và của ngành cao su nói riêng. Phát triển bền vững cũng là sự lựa chọn tất yếu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng được đề cao, không chỉ dừng ở các khuyến nghị mà đã trở thành các yêu cầu bắt buộc trong thương mại quốc tế.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là doanh nghiệp có quy mô lớn và ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Lãnh đạo Tập đoàn đã nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của một doanh nghiệp phát triển bền vững là gắn liền với 3 khía cạnh: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Vì lý do đó, từ năm 2018, HĐQT Tập đoàn đã ban hành một Nghị quyết về doanh nghiệp phát triển bền vững.
HĐQT Tập đoàn cũng ban hành một Quyết định về chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019 - 2024 với 10 mục tiêu: Thực hiện chứng chỉ FSC; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phát triển 20.000ha rừng gắn với vùng cao su; tham gia hệ thống giải trình gỗ cao su hợp pháp; tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả kinh tế; thực hiện các giải pháp/chứng chỉ quốc gia/quốc tế về phát triển bền vững; quản lý dữ liệu vườn cây bằng công nghệ thông tin, bản đồ kỹ thuật số, hướng tới ứng dụng hệ thống thông tin GIS; tuyên truyền, truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực về phát triển bền vững; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về phát triển bền vững.
Sau 4 năm phát triển bền vững, đến nay, Tập đoàn đã đạt được những kết quả ra sao, thưa ông?
Sau 4 năm thực hiện chương trình phát triển bền vững, đến nay toàn VRG đã có 27 công ty xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đạt gần 276 nghìn ha. Trong đó, 17 thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM với trên 109 nghìn ha rừng cao su. Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC đã được cấp cho 31 nhà máy chế biến mủ cao su và 2 nhà máy chế biến gỗ của Tập đoàn. Ngoài ra, vào tháng 6/2022, Công ty mẹ - Tập đoàn đã được PEFC cấp chứng nhận PEFC-CoC dành cho nhà thương mại.
Đặc biệt, trong năm 2022, mặc dù thị trường có khó khăn nhưng toàn Tập đoàn đã tiêu thụ hơn 48 nghìn tấn mủ có chứng nhận VFCS/PEFC theo đề nghị của khách hàng, trong đó sản phẩm có chứng nhận VFCS/PEFC của Công ty Cao su Bình Long có giá bán chênh lệch so với sản phẩm mủ không có chứng nhận.
Kết quả nổi bật khác nữa là kể từ khi VRG triển khai thực hiện Chứng nhận doanh nghiệp bền vững cho các công ty thành viên vào năm 2019, hàng năm, Tập đoàn đều có từ 10 - 20 đơn vị đạt Top 100 và 1 - 2 đơn vị đạt Top 10. Ngoài ra, các đơn vị cũng đạt thêm giải thưởng phụ về “Doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em”, “Bình đẳng giới trong doanh nghiệp”…
Trong những năm qua, Tập đoàn tiếp tục triển khai thực hiện “Phương án kỹ thuật về khoanh nuôi, phục hồi và bảo tồn 5.000ha rừng tại Campuchia”; phát triển trên 3.400ha trồng cây lâm nghiệp đa mục tiêu.
Chương trình phát triển bền vững của VRG còn đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường các giải pháp sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm năng lượng, truyền thông, đào tạo về phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi người lao động và đầu tư an sinh xã hội.
Đến nay toàn Tập đoàn có 34 đơn vị áp dụng ISO 14001 và các hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu của địa phương. Tổng công suất điện mặt trời áp mái toàn Tập đoàn tính đến hết năm 2022 là 10.112 kWp, tương đương với việc giảm phát thải 10.321 tấn CO2/năm. Tổng công suất thiết kế của hệ thống lò hơi Biomass đến nay là 47 tấn/giờ, tổng sản lượng mủ chế biến sử dụng công nghệ biomass đến hết năm 2022 đạt trên 48 nghìn tấn.
Tập đoàn đã duy trì và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủ về phát triển bền vững như Grow Asia, PanNature, WWF, PbN... Trong đó, kết quả nổi trội nhất là phối hợp với Oxfam tại Việt Nam và Oxfam tại Campuchia xây dựng “Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững’’ để áp dụng tại Việt Nam và tại Campuchia.
Thưa ông, phát triển bền vững đã giúp Tập đoàn hài hòa giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm đối với xã hội, bảo vệ môi trường?
Khi triển khai các dự án, chúng tôi luôn đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân. Phát triển dự án phải đảm bảo rằng người dân trong vùng dự án và khu vực lân cận được hưởng lợi từ các dự án, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống con người về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Chủ trương nhất quán của VRG là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi để môi trường sống của người lao động ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, việc chia sẻ khó khăn, đền ơn đáp nghĩa và phát triển cộng đồng được chúng tôi đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục tại tất cả các địa bàn có các đơn vị thành viên hoạt động.
Đối với chương trình đầu tư phát triển cao su ở Lào và Campuchia, tất cả diện tích cao su của Tập đoàn đều có chứng nhận hợp pháp theo quy định của nước sở tại. Chúng tôi chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị bảo tồn trong các vùng dự án và hoạt động liên quan; luôn tuân thủ các luật pháp quốc gia nước sở tại và công ước quốc tế trên các địa bàn hoạt động. Chúng tôi quan tâm ưu tiên tạo việc làm cho cộng đồng dân cư quanh vùng dự án, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, xây dựng nhà ở cho công nhân nhằm chia sẻ những khó khăn và có nơi an cư cho người lao động.
Bên cạnh đó, các dự án cao su tại Lào và Campuchia đã đầu tư xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ cho người dân trong và quanh vùng dự án. Tính đến nay, tổng giá trị Tập đoàn đã đầu tư các công trình an sinh xã hội tại Campuchia đạt gần 77 triệu USD, tại Lào hơn 8 triệu USD.
Ngoài ra, các dự án cao su đã đóng góp hỗ trợ cho địa phương xây hoặc sửa cầu đường, trường học, chợ, trụ sở làm việc của địa phương, nhà bảo vệ rừng… Qua đó, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy giữa doanh nghiệp và cộng đồng, mang đến lợi ích về cơ sở hạ tầng cho vùng dự án và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Vì vậy, VRG được đánh giá là doanh nghiệp rất có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Trong thời gian tới, Tập đoàn đặt ra những mục tiêu gì cho việc phát triển bền vững, thưa ông?
Mục tiêu phát triển bền vững của VRG trong thời gian tới là mở rộng một số hoạt động phù hợp nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia đã cam kết với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030 và tuân thủ chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh thực hiện Chứng nhận của quốc gia và quốc tế về quản lý bền vững rừng cao su và nhà máy chế biến; tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm có chứng chỉ; quảng bá sản phẩm có chứng chỉ rừng bền vững đến khách hàng. Nhân đây, liên quan đến quản lý rừng bền vững, Tập đoàn kiến nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan hữu quan xem xét để diện tích cao su được hưởng dịch vụ môi trường rừng đối với các diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC-FM.
Đồng thời, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện Chứng nhận doanh nghiệp bền vững và các giải pháp phát triển bền vững như: Triển khai trồng cây lâm nghiệp, cây lấy gỗ và tích hợp Dự án GIS-VRG trong quản lý rừng bền vững; tăng hiệu quả kinh tế của phát triển bền vững.
Tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội, kết nối cộng đồng và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác truyền thông, đào tạo về phát triển bền vững, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Bạn đang đọc bài viết Con đường tất yếu, bắt buộc trong thương mại quốc tế tại chuyên mục Lâm nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét